Welcome to the Foodies forum!

Since 12-28-2023, 977 unique visitors have come to thaiphamonline.com.
This page have been viewed 0 times.
Gallery
Upload Photo & Post
Bữa cơm từ tay Má
Chiều hôm vo gạo, nhìn những lượt nước vo gạo trút ra tôi bỗng bần thần
nhớ những bữa cơm từ tay Má . Từ khi lấy chồng tôi xa dần những bữa cơm
từ tay Má nấu . Cũng đồng nghĩa tôi phải trở thành người nấu những bữa
cơm cho gia đình chồng Không còn ngồi nhởn nhơ đọc sách ,chép thơ ,đàn hát
để chờ Má tôi gọi : Thảo à ăn cơm nè, lên mời Nội ,mời Ba ăn cơm coi.
Ở nhà Ba Má tôi ,một bữa cơm chỉ nấu 3 lon gạo ( loại lon sữa ông Thọ) cho
5 người ăn gồm : Bà Nội tôi,Ba Má với tôi và 1 người làm tháng với 1 con chó.
Ngày đầu tiên về nhà chồng ,tôi hỏi Má chồng tôi : _ Nấu mấy lon vậy
Má? Má chồng tôi bảo :11 lon. Tôi nghe mà giựt mình,lo lắng nghĩ nhanh trong
đầu : Trời ơi nấu nhiều quá biết làm sao đây. Nào giờ có bao giờ tôi nấu
nồi cơm nhiều như vậy đâu Lúc đó là năm 1993,nơi quê chưa có điện ,bếp ga
cũng chưa có bán . Việc bếp núc đều sử dụng củi . Tới chắt nước cơm
mới là mối lo vì đôi tay yếu ớt nào giờ chưa từng bưng nồi cơm nhiều như
vậy chỉ sợ trật cái nắp nồi là văng hết cả nồi cơm ra ngoài . Tập dần
rồi mọi việc cũng thành thạo Biết nấu cơm,giặt đồ rồi mới thấy
thương Má mình vô cùng. Tôi từ một cô gái ốm yếu mong manh có đôi bàn tay
đẹp nhất trong năm chị em , từ lúc có chồng làm lụng việc nhà ,đôi tay càng
ngày càng xấu đi. Những đứa trẻ nhỏ thường được Mẹ chăm chút bữa ăn
.Nếu chưa trưởng thành thì không bao giờ biết được việc vo gạo nấu cơm hàng
ngày cũng làm cho móng tay người Mẹ mòn khuyết theo năm tháng. Ngày xưa không
có máy giặt nên việc giặt giũ đã tàn phá sự xinh đẹp của đôi tay bà mẹ,
những người chị lớn trong gia đình . Lúc nhỏ tôi thường quen cảnh nhìn Má
tôi vo gạo nấu cơm. Má tôi vo gạo nhiều lắm,vo tới 3_4 nước. Và lúc nào Má
cũng chắt ra để trong cái thau ngay sàn nước. Mỗi đợt vo rồi chắt nước thì
Má lại để gạo khô mà lấy tay khuấy gạo 3_4 vòng liên tục rồi mới chế
nước vô vo gạo tiếp. Má vo gạo cho tới chừng nào nước trong thì mới bắc
lên nấu. Tôi thì không vo gạo nhiều nước như má . Tôi chỉ vo 2 nước ,tới
nước thứ 3 là nấu thôi. Vo nhiều quá tôi nghĩ sẽ mất nhiều tinh bột trong
đó. Gạo ngày nay nhiều chủng loại rất đa dạng từ nội địa tới loại
nhập khẩu nên thơm tho và khô sạch hơn hạt gạo ngày xưa nhiều lắm . Ngày
xưa, ở nhà tôi đâu có mua gạo. Bởi nhà nông mà . Lúa làm từ ruộng nhà . Cứ
tới mùa,Ba tôi mướn người cắt đập rồi mang về phơi khô cất vô bồ .
Hễ hết gạo thì hốt lúa vô bao đi chà . Mỗi lần đi chà lúa phải chở tới
nhà máy chà chờ đợi cả buổi. Nên Ba tôi mua luôn cái máy chà kiểu gia đình .
Trước là sử dụng cho tiện sau là chà lúa thuê cho bà con lối xóm luôn .
Mỗi lần chà lúa xong là công đoạn sàng gạo. Vì mỗi lần chà phải cả chục
giạ gạo. Nên tôi và chị Năm luôn bị gọi ra phụ lượm thóc gạo. Gạo chà
vừa xong Má tôi trải đệm trút gạo ra một đống . Mùi gạo còn dính cám rất
thơm. Tôi thích nhất là đưa 2 tay vô đống gạo chơi cho tới khi cám dính đầy
tay mới thôi. Chơi vọc gạo là chơi lén thôi. Vì Má với Nội rất khó . Không bao
giờ cho chị em tôi vọc gạo . Má với Nội hay la : Gạo để ăn ,đừng có vọc
chơi ,tội chết à con. Vọc gạo cũng tội mà đạp gạo lại càng tội nặng
hơn . Và vì vậy nên khi ăn chén cơm mà rớt hột cơm càng bị Nội và Má la nhắc
nhiều hơn: Một hột cơm rớt là khi chết xuống dưới phải ăn 10 con giòi. Mà
nghĩ coi đâu có khi nào rớt cơm mà chỉ rớt có 1 hột cơm đâu. Nên chúng tôi
nghĩ nếu ăn cả lũ giòi thì rất sợ . Nên vì vậy lúc ăn cơm , mấy chị em bao
giờ cũng ý tứ vô cùng. Trừ phi cơm rớt xuống đất chớ cơm rơi trên bàn ăn
mấy chị em đều lụm ăn hết. Riêng hạt cơm rớt xuống đất thì phải né
không được đạp , chờ ăn cơm xong hốt quăng cho gà ăn . Không phải vì thương
gà cho nó ăn mà chỉ nhằm chạy tội cho mình. Đã mấy mươi năm rồi mà cái
hình ảnh lượm thóc gạo vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Lúc chị em tôi còn
tuổi ăn tuổi học thì Má tôi còn trẻ . Đôi vai Má xốc vác nhanh nhẹn .Bàn tay
Má làm việc thoăn thoắt, thành thạo , khéo léo vô cùng. Tôi nhớ đôi tay
Nội và Má sàng gạo thật điêu luyện. Gạo chà xong được Nội và Má sàng
lấy thóc từng bụm thật dễ dàng. Lớp gạo tấm mẳn lọt xuống sàng . Má dùng
để cho gà con ăn . Thóc lúa chà lọt sổ thì để cho gà lớn ăn. Gạo sàng
lọc qua tay Nội và Má trọng trơn . Má tôi hái lá chanh tươi rải dưới đáy lu
rồi đổ gạo vào đầy mặt . Những lu gạo chưa xúc tới Má tôi luôn phủ thêm
lớp lá chanh tươi trên mặt rồi mới đậy lại để chống sâu ăn. Dù vậy
,khi gạo ăn tới lu cuối thì bao giờ gạo cũng không tránh khỏi bị đóng sâu.
Những chú sâu đóng cục khi vo gạo nổi lềnh bềnh mập ú. Vì vậy mới hiểu
tại sao Má tôi vo gạo rất kỹ. Nồi cơm Má nấu bữa nào cũng có tô nước
cơm chắt ra thơm thơm đặc sệt . Ba tôi có thói quen ăn cơm xong là ông húp
nước cơm như một cách tráng miệng bằng trái cây vậy. Còn tôi thích nhất là
chờ Má vừa chắt nước cơm còn nóng hổi ,múc ra chén thêm muỗng sữa là ngồi
húp ngon lành. Hôm nào nhà hết sữa thì pha nước cơm với đường cát . Hết
đường cát thì pha với đường thùng uống cũng ngon lành . Hồi Tân cai sữa
hộp ,thì món nước cơm pha sữa bò là thức uống mỗi ngày thay thế sữa hộp
cho đỡ tốn tiền. Má tôi thường nói Tân uống nước cơm pha sữa bò là sang
lắm rồi . Chị hai con lúc nhỏ vì thiếu sữa mẹ ,Má cho uống nước cơm với
đường thùng không . Mà nó cũng lớn đại. Thời đó còn khó khăn ,nên chị hại
thiệt thòi đủ thứ còn phải giữ cả bầy em . Nên mỗi lần Má nhắc hồi đó
nuôi chị hai tôi là Má luôn chắc lưỡi thêm câu: Tội nghiệp chị Hai con.
Bất kể năm dài tháng rộng ,bữa cơm từ tay Má bao giờ cũng đúng giờ. Bữa
cơm sáng là từ 11 giờ. Chờ đúng giờ gọi người làm vào cùng ăn . Bữa cơm
chiều bao giờ cũng 5 giờ chiều. Sau này khi bà Nội già yếu thì Má tôi nấu
sớm hơn chút để Nội ăn sớm dễ tiêu. Không gì sung sướng bằng ngày hai
bữa luôn có bữa cơm nóng thơm ngon từ bàn tay Má . Nhưng thời điểm thơ ngây
đó ít có con nào cảm nhận được đó là niềm hanh phúc trong cuộc đời mình .
Cho đến khi chúng lăn sả vào cuộc đời bươn chải , biết lo lắng cơm áo gạo
tiền , biết nuôi con cực khổ . Hạnh phúc giản dị từ bữa cơm gia đình
mà ít khi ta để ý . Cho đến khi rời xa mới nuối tiếc bởi những thời khắc
qua đi không thể tìm lại được. Những nuối tiếc được đánh đổi là sự
trưởng thành biết làm sao được . Rồi các con mình cũng vâỵ mà thôi . Khi
chúng nhớ bữa cơm của mẹ thì cũng là lúc rời xa mái gia đình . Vòng đời như
nước chảy xuôi.Mưa đâu dưới đất lên trời mưa lên. Phạm Thu Thảo Bà Rịa
ngày 6/7/2024
Tp Eyeglass Repair Services
Mọi Đăng Tải Tự Động Biến Mất Trong 30 Ngày