Đọc Thơ Trần Vấn Lệ Story #: 497
phươngđiềnguyên
Theo năm tháng u-hoài, trải dài lên tâm tư của người lưu lạc - là sự hồi tưởng các giá trị văn hóa cũ bị biến đổi cái tốt vào quên lãng. Với thi tập May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương - trái tim bi thương đong đầy kỷ niệm đó của Trần Vấn Lệ đang khơi dậy hình bóng cũ... làm người đọc càng thương cuộc đời đầy phiền muộn hơn vui của ông đã qua. Sự buồn rầu trong ông không lẽ loi, đơn phương - nó đang lan vào tâm tư bao kẻ ly hương.
Lòng hối hận, luyến tiếc đó trong ông - thí dụ, như "người sinh viên thi hỏng" - trong cô đơn, tìm nơi thanh vắng, ôn lại dĩ vãng; thấy mình đã phung phí/tắc trách trong thời gian qua, đã gây sự thất bại cho cả năm:
"Tất cả chỉ là hơi rượu cay!
Sáng nay tôi uống một mình. Say
Khi tôi còn nói điều tôi biết
Là một mình tôi không với ai!
Ai nhỉ? Là Em? Không phải bạn?
Những thằng Lính gục xuống bờ đê
Cả Y Uyên cũng nằm trong máu
Cuộc chiến tranh như một gánh hề [Ba Mươi Tháng Tư Hai Ngàn].
Với Trần Vấn Lệ mang tâm sự "của người sinh viên thi rớt kia" - thì lại càng giống một trong những "lính cựu 'chưa tốt nghiệp' trong đời binh nghiệp!" Nên sự hối hận dâng tâm tư, càng làm ông chua xót/phiền muộn... Và việc hồi tưởng có tính cách bi-hùng này, khiến Trần Vấn Lệ nói lên tâm sự mình bằng cách "làm thơ như thể một trò chơi," hay nói cách khác - như hơi thở dài của lớp người có tuổi.
"... Tôi lang thang gặp... tôi bình tĩnh
Ôi dễ gì trong buổi sáng nay!
Hỡi bạn hỡi bè chưa Giải Ngũ
Sao là bầy sáo xổ lồng bay?" [Ba Mươi Tháng Tư Hai Ngàn].
Ông ân hận hay hối hận? Biết đâu! Nếu người sinh viên trên cố công đèn sách thì tự mình quyết định được cuộc đời của mình. Nhưng, với tay súng của một lính chiến, chỉ biết phục tùng và thi hành. Ông buồn rầu nhìn họ bơ vơ, để rồi tự quyết đời mình trong lúc tan hàng!
Lại biết đâu nữa sau này - như Nguyễn Du đã viết trước: "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!" Con cháu ba thế kỷ sau thương khóc Tố Như tiên sinh; thì những tập thơ đã in, hay vừa mới ấn hành đây của Trần Vấn Lệ đã xuất bản, nói về tâm sự cựu lính bi thương cố quốc, sẽ nằm tại các thư viện quốc ngoại. Thì cũng biết đâu, "Ba trăm năm sau, thiên hạ lại khóc Trần Vấn Lệ" - vì ông sống lúc giao điểm đổi đời đầy nghẹn ngào/uất ức!
Đọc cuốn "May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương" hay những tập thơ nào trước đó, chúng ta luôn luôn bắt gặp hình ảnh một "giai nhân" muôn thuở như "Chị Ba" hay "Em..." cứ bám víu tâm tư mãi đời ông là ai?
Nếu "tình yêu trai gái" đó có - cũng chỉ là sự thăng hoa tình thương "Tổ Quốc" mà thôi.
[Ta đang nhìn thật gần. Cặp nhân tình hân hoan, vui sướng nắm tay nhau. Cả hai người cùng nhìn về một hướng. Có buổi chiều buồn thu, trời mây bảng lảng. Anh thì thầm khẽ nói]:
"... Em hãy nhìn kia, mây viễn phương
chiều Thu đang lạnh hóa mù sương
con sông như thể chiều lên khói
lá rụng, buồn ơi! Phải nói buồn!
Phải nói là cảnh quá hắt hiu, xâm chiếm lòng người thêm bơ-vơ!
[Và... hình ảnh đó kết nối như một liên khúc nhạc tình xót xa dở dang, không đứt đoạn giữa hiện tại và quá khứ. Cả bầu trời, vẫn vầng trăng muôn năm đó có chú cuội già. Nhưng khác nhau chỗ đứng, người nhìn - để cùng liên tưởng, nhờ ánh trăng này mang hình một người cô đơn xa, mong được rọi sáng về nửa quả địa cầu quê nhà. Hồn anh theo vầng trăng soi rạng cầu ao, cho "Em" giặt áo. "Em" có thấy bóng anh đang hiển hiện trên mặt nước ao Thu? Nhưng, mặt nước vẫn lao chao, bóng anh vẫn tơi tả, đưa về một cõi xa xăm! Nên suốt đời anh vẫn mỏi mòn trong hôn mê để nhớ "Em," là cố quận! Anh vẫn nghĩ, đời ta mang bao éo-le hợp-tan lúc cuối đời]:
... Em hãy nhìn kia, anh của em
bóng trăng ngả với bóng trăng thềm
và em cũng ngả, trăng lồng bóng
thôi nhé, ta chờ lá phủ lên..." (Mùa Thu Thứ Mười Trên Nước Mỹ.) [Ông như thốt lời trối trăn, vĩnh biệt]!
Hay:
"Em xòe một lúc hai tay
Mà hoa me cứ rụng bay đầy người!
SàiGòn ơi! SàiGòn ơi!
Hăm lăm năm trước em cười thật duyên...
Thôi mình ra với bờ sông
Thả mơ ước cũ cho dòng nước trôi
SàiGòn ơi! SàiGòn ơi!
Cái tên thắm thiết một thời, quên đi!" [Hai Mươi Lăm Năm Trở Bước Về]. [Là những lần nhớ "cảnh cũ người xưa," hay tâm hồn ông thường quay về cuộc sống trong tiềm thức đó!Nhưng rồi, giấc mơ cũng bị cuốn vào dòng nước xoáy chìm nhanh]!
Thường, với tâm trạng chán chường, xót xa của người tha hương tưởng quê mẹ lãng quên mình; nhưng, với trái tim ăm ắp hình ảnh đầu đời, dù kết trái oan khiên, lòng vẫn chín muồi thương yêu cố quận - Trần Vấn Lệ như bao người, không thể tách rời lòng mình, dễ dàng chấp nhận "mẹ ghẻ...xứ lạ." Chỉ giận đời mà thôi - như đứa con làm nũng Mẹ! Để rồi một ngày nào đó, Trần Vấn Lệ lại ngậm ngùi nhớ, cầm lon bia lên, ực cho trôi cái chán chường đang nổi phong ba trong hồn. Lại nhớ MẸ RUỘT! Con mắt hấp-háy buồn tình, ông lau lại kính, gắn lên mũi ngó xa xăm qua chỗ dung thân - giọng "lầu bầu," rầu rĩ… van xin Mẹ Ruột:
"... Tôi nhìn phố Mỹ, Xứ người dưng
Tôi nhớ, em ơi, những cánh đồng
Tôi nhớ, em ơi, từng buổi phép
Tôi về, em đẹp tựa Non Sông!..." [Ba Mươi Tháng Tư Hai Ngàn]. [Hình ảnh và kỷ niệm tích lũy thật sống động của người nặng kiếp phong trần thuở thanh xuân, nay quá xa. Thương là thương lòng trung hậu của ông chỗ đó]!
Nói đến Trần Vấn Lệ là khơi lại bao hoài vọng, tiếc nhớ mông lung. Ông "vật lộn" hằng ngày với sự thiết tha nỗi niềm quê. Trần Vấn Lệ vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn sinh hoạt... viết báo làm thơ, nhưng đời ông lúc nào cũng đắm chìm sự thổn thức - nhớ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy [LTL?]" - mà thời gian xưa vẫn lưu niệm trong ông bao đau-khổ-vui-buồn-hợp-tan...!
Đến đây, bài viết không thể viết những lời có tính cách tổng quát của nguyên tập MMCEĐCDT. Người viết chỉ ghi lại cảm tưởng một bài, trong số những bài mình thích nhất: "Lăn Qua Không Thấy Người Yêu Dấu Lăn Lại Còn Đâu Nữa Núi Sông" [LQKTNYDLLCĐNNS].
Thời Gian, đối với TVL vẫn theo kim đồng hồ xê dịch tới - tự nó không thể trở ngược, hay vẽ vời tương lai ngày mai. Như có ai được tắm hai lần trong một dòng sông! Chỉ có người phải trực diện hiện tại, giải quyết những cái đang có, để ký thác cuộc đời mình theo dòng nhân sinh.
Tỷ như đời muốn nhận thức giá trị của một Tháng, thì người mẹ sinh thiếu tháng đứa con so, sức khỏe èo uột thì bà rất buồn lòng.
Nếu muốn biết giá trị của một Tuần, thì mời người đi hỏi người chủ bút của một tuần san.
Và nếu muốn biết giá trị của một Giờ, xin hỏi thời gian khắc khoải của đôi tình nhân lúc chờ đợi nhau!
Lại muốn biết giá trị của một Phút, xin cứ hỏi người tới chậm, trễ chuyến tàu tốc hành.
Hoặc, khi muốn biết giá trị của một Giây, xin hỏi kẻ vừa thoát khỏi tai nạn thảm khốc trong đường tơ kẽ tóc.
Để sau cùng, muốn biết giá trị của Phần Triệu Giây, thì người lực sĩ biết mình sai lầm chỗ nào nên không được huy chương vàng...
Tất cả là một "sát na" không đảo ngược, chỉ được hồi tưởng - như một tờ flyer mà người viết đã đọc được đâu đó để khuyên người đời nhận ra chân dung đã qua của mình! Tự lừa, thì người khác dễ quên - nhưng, với Trần Vấn Lệ, bao sát na đó luôn nằm sâu trong tâm khảm chực chờ trổi dậy!
Không/thời gian vô thủy vô chung, chúng cứ tiếp nối và tồn đọng - để lòng ai kia tự cảm thấy tâm tư mình trĩu nặng thành tự trách/ân hận - Trần Vấn Lệ như Người Con Có Hiếu vì lý do nào đó Bỏ MeÏ Ra Đi nay Cảm Thấy Mình Muốn Quay Về Tạ Tội mà không được! Ông không là "Đứa Con Phung Phá [L'Enfant Prodigue]" của André Gide, muốn trở về mái nhà xưa vì một thuở hoang tàng.
Chúng ta hãy đọc thử bài LQKTNYDLLCĐNNS:
"Tôi ngả mình trên lớp cỏ êm, lăn qua không thấy cánh tay em, thì thôi lăn lại, nhìn sông núi, rồi ngủ; bơ vơ dưới ánh đèn...
Chiều đã tắt rồi, đêm sáng trưng. Tôi, hai mắt nhắm thấy chi hồng, chi xanh, chi đỏ, chi vàng nữa, chỉ hạt sỏi tròn đau sống lưng!
Ôi một điều nghe tự giấc buồn! Lấy thơ tôi gói mảnh Quê Hương, gói tôi... Không phải bằng chăn ấm, mà vẫn là em - nỗi Nhớ Thương!
Tôi, nửa đêm Đông, bật dậy, ngồi. Lạnh từ trong đất, lạnh ra khơi. ViệtNam mình đã qua thời loạn, sao nhớ thương, tìm, cứ lạc thôi?
Tôi nhớ em, tìm, lạc đến đây. Tưởng như mình đã lạc trong mây. Hồn trai mà lạc theo gươm súng, chắc ngựa không đau thuở lạc bầy?
Em ơi! Tôi hóa người Homeless, thèm một bàn tay, miếng bánh mì, thèm thấy em ngồi bên cửa sổ mơ màng mắt lạc bóng Xuân Phi..."
[Có những ngày nào đó, chán bước lãng du. Chiều tắt để bắt đầu bóng tối. Ta ngủ bơ-vơ dưới bao ánh đèn. Hạt sỏi là sự thực - làm giấc mộng tàn phai. Ta lạnh không vì mền không ấm. Mà nỗi lạnh toát từ tim - vì đời ta xa chỗ đứng quê hương. Tình cảnh, quê người mường tượng chỉ "Gợi Giấc Mơ Xưa![LHL?]" Cuộc đời này chỉ là cơn mộng ảo, đuổi theo mãi vẫn lạc dấu yêu. "Em," rồi cũng thật xa! Đời ta khác nào kẻ vô gia đình; và "Em" lạc quá non Đoài. Nhưng, nếu ta như người homeless, lại không có quyền ao ước: may mà có em đời còn dễ thương].
Sau những ngày 14/12/'00, tuyết loang lổ dưới đất, cành-lá tụ giọt tuyết-đá long lanh tia nắng rơi. Nhớ "Nắng Thủy Tinh" của Trịnh Công Sơn! Lại bầu trời lũng thấp mù sương - gió buốt dặm dài. Mình ta co ro tạm ấm với điếu thuốc vơi dần, tàn lả tả bay vào không gian, đuổi theo hoa tuyết. Rồi bạch tuyết cũng nhẹ nhàng... vương khỏi mắt ta, mang chút hững hờ lạnh băng... và... cũng biến đi!
Bài nhạc phổ thơ của Vũ Hữu Định "Còn Chút Gì Để Nhớ" nghe thật trữ tình, cứ quấn quít rơi vào mông mênh, đưa vào cõi nhớ, tô đậm chút ký ức thuở xưa: ["Có người lính thú tìm sự quân bình tâm hồn để có chỗ đi-về, cho trái tim biết nơi nhớ nhung - bằng mái tóc thề, để may mà có em đời còn dễ thương!" ]
"Phố núi cao... phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh... trời thấp thật buồn. Anh khách lạ... đi lên đi xuống. May mà có em... đời còn dễ thương! Em Pleiku... má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều... quanh năm mùa Đông. Nên tóc em ướt... và mắt em ướt! Nên em mềm như... mây chiều trông! Phố núi cao... phố núi trời dâng. Phố xá không xa... nên phố tình thân. Đi dăm phút... đã về chốn cũ. Một buổi chiều nao... lòng bỗng bâng khuâng. Xin cảm ơn... thành phố có em! Xin cảm ơn... một mái tóc mềm. Mai xa lắc... trên đồn biên giới. Còn một chút gì... để nhớ để quên... Còn một chút gì... để nhớ để quên..."
Thơ/nhạc/nhạc/thơ lúc nào cũng gần như cặp tình nhân. Chúng quyện vào nhau như món quà của mai-dong. Xin cứ ngồi đây, nhắp chút càphê thưởng thức những câu thơ thất ngôn của Trần Vấn Lệ diễn tả tâm tình mình như lối văn-vần mới, mà hiện nay - nhiều người đã viết theo thể cách này.
Chẳng hạn như Trần Tú Uyên trong bài "Sáng Mù Sương Từng Giọt Chia Ly:"
Con đường dốc sáng nay không nắng. Mù sương bay. Rừng trắng mù sương. Ơi ly khách, gọi thôi cho có bạn, tiếng vang về trong những hồi chuông... Cây Thánh Giá trơ vơ, tội nghiệp. Con quạ đen đứng ngó hoa vàng. Hoa mấy nụ và thời gian mấy thuở, sẽ tàn phai khi quạ lang thang...?
phươngđiềnguyên
|