THUYỀN KHÔNG BẾN ĐẬU Story #: 504
Trại tị Nạn Galang – “Cửa Ngõ Của Tình Người” được thiết lập trên một hòn đào nhỏ, cô lập nên nước ngọt là một vấn đề hóc búa, nhức đầu. Trại có hơn mười ngàn người chen chúc cư ngụ trong hai trại riêng biệt cách nhau khoảng vài cây số: Galang 1 và Galang 2. Tôi nghe nói Galang 2 là nơi những tị nạn Đông Dương (Việt Miên Lào) đã được Mỹ nhận từ các trại bên Thái Lan đưa sang chờ ngày lên đường đi định cư. Tôi viết “nghe nó” là vì ở trại nguồn thông tin chính thức rất ít mà tin giật gân, tam sao thất bổn thì nhiều. Ngày xưa báo chí miền Nam gọi loại tin này là “tin vịt”. Người ta biết là tin vịt nhưng vẫn nghe và loan truyền. Mỗi tuần, xà lan chở nước ngọt cặp vào cầu tàu chính ở Galang 1. Xe bồn mang nước đến bơm vào các bồn chứa nước lớn hình chữ nhật bằng sắt sơn đen với dung tích khoảng vài ngàn lít, mỗi căn nhà một cái. Theo quy định của Cao Ủy, tiêu chuẩn đầu người là mười lít nước mỗi ngày. Xài hết nước mà nhu cầu còn nhiều thì tự xử. Xử sao thì tôi hoàn toàn không biết!
Những người cùng ghe của tôi cùng một số người từ ghe khác được sắp xếp vào chung Căn nhà số 123 của Khu 5 tọa lạc trên một ngọn đồi cao. Tất cả hơn sáu mươi cư dân, trước lạ sau quen. Căn nhà xây dài hình chữ nhật khoảng trên hai mươi thước bề dài và tám thước bề ngang, bằng ván ép, giống như mấy căn nhà của trại lính cũ bên Việt Nam, gọi là barrack. Barrack 123 có khoảng hai mươi giường hai tầng bằng cây mỗi bên. Giường đủ rộng cho hai người nằm. Đêm đầu tiên khi mới đến, chúng tôi vì quá mệt nên ngủ trên những cái còn trống, không lựa chọn. Sáng hôm sau, chúng tôi sắp xếp và thỏa thuận với nhau về cái giường nào là “giang sơn” của mình theo một luật lệ bất thành văn: tầng dưới ưu tiên cho người già, vợ chồng, và trẻ em.
Trong tuần lễ đầu tiên ở trại, tôi nỗ lực tìm kiếm các phương tiện như xô chậu để chứa nước lãnh theo tiêu chuẩn từ những người đến trước có dư hoặc sắp lên đường định cư. Mới nghe tưởng chừng dễ như ăn cơm sườn, nhưng rất khó khăn không thua gì việc phóng phi thuyền lên mặt trăng. Mỗi ngày, người mới nhập trại rất nhiều và ai nấy đều đổ xô đi tìm giống như phong trào đi tìm vàng ngày xưa bên Mỹ hay Úc.
Mỗi buổi sáng, tôi theo con đường mòn dẫn xuống chợ, đi ngang qua một con suối nơi đàn ông đàn bà, con trai con gái tắm giặt suốt ngày, đến các khu của nguời đến trước, đi vào những barrack, tìm đồng hương. Đôi khi, tôi nhận lãnh những cái nhìn xoi mói, không thiện cảm của vài người. Thành thật mà nói, xòng xọc vào giang sơn của người ta, với cặp mắt láo liên thì ai mà không khó chịu. Các barrack này được xây dựng đã lâu, không giống kiểu kiến trúc barrack của tôi. Bên trong mỗi barrack có hai miếng ván dài đóng dọc hai bên suốt chiều dài từ đầu này đến đầu kia làm giường với lối đi ở giữa. Mỗi bên có khoảng năm mươi người sinh sống. Sinh hoạt riêng tư không còn tồn tại mà mọi thứ đều phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ. Cũng có người vui vẻ tò mò hỏi tôi đang đi kiếm ai? Thế là tôi chụp ngay cơ hội bằng vàng được lời như mở tấm lòng, vội vàng bắt chuyện hỏi thăm trong barrack này có ai là người tỉnh Tiền Giang, sinh đẻ hay đã sinh sống cũng được. Nhiều khi may mắn, “thằng khù có ông gù đô mạng”, người nào đó đang ngồi trên giường nghe loáng thoáng câu hỏi, lên tiếng “có tôi đây”. Tôi vội vàng đến ca bài con cá sống vì nước. Người đó sẽ cho tôi biết những món có thể “bàn giao” cho tôi ngay lập tức hay phải chờ đợi vài ngày. Có khi món đồ chỉ là cái mùng mà phải nhiêu khê năm lần bảy lượt trở lại mới nhận được, ngoại trừ tôi muốn hiến máu cho muỗi. Một ngày đẹp trời, tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ còn son, mới xong đám cưới là xuống ghe vượt biên ngay. Chồng bác sĩ và vợ nha sĩ nửa nạc nửa mỡ, có nghĩa là “học trước 75 và tốt nghiệp sau 75”. Họ là dân Mỹ Tho vui tánh và thân thiện, đương nhiên là đồng hương với tôi mặc dù cách Gò Công 35 cây số. Họ đang làm thiện nguyện tại bệnh xá của trại nên Cao Ủy năm thì mười họa ủy lạo cho mấy hộp đậu que hai hoặc năm ký thay cho “lương bổng”. Cô vợ thấy tôi ốm tong ốm teo, lòi xương sườn tội nghiệp nên cho tôi một hộp mang về barrack ăn cho biết mùi rau cải “ngoại quốc”, và còn tận tình dặn thêm: ‘nó đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn còn ăn ngon. Bên Việt Nam, sau năm 75 người ta ăn hà rằm, không sao đâu, chết vì đói chưa ai chết vì ăn.’. Ở trại tị nạn, trong bất cứ câu chuyện gì với nhau, người ta luôn luôn nhắc đến thời kỳ “vàng son” sống trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt Nam mặc dù bây giờ nó đã xa diệu vợi, như là lá đơn phải có “ký tên đóng mộc” mới đầy đủ. Tất nhiên, tôi nghe lời đồng hương tử tế mới gặp, ăn hết sạch sành sanh hộp đậu que và vẫn sống nhăn răng. Chỉ có điều đậu que đóng hộp ăn không ngon bằng đậu que tươi!
Cuối cùng rồi tôi cũng xin được một cái xô còn lành lặn. Tôi mang nó về barrack như “đưa em về dinh”. Coi như bắt đầu sáng ngày mai, tôi sẽ hết “khổ vì nước”.
Tình thật, trong thời gian qua tôi cũng có “quới nhân phò trợ”, chắc tôi có căn tu hay sao không biết? Có một thùng phi đựng nước mưa nằm ngoài một cửa sổ của barrack kế bên. Chủ nhân của nó là một cô gái còn trẻ trông cũng xinh xắn, mà đi vượt biên chỉ có môt mình. Không biết cô làm cách nào mà sở hữu nó được. Giường tôi ở tầng trên nhìn ra cửa sổ, thấy thùng phi đầy nước phát thèm. Cô thường đứng cạnh cửa sổ nhìn qua barrack của tôi. Chắc cô buồn vì nhớ người yêu còn kẹt lại bên quê nhà. Tôi lân la làm quen với cô, nói chuyện cho vui qua khung cửa sổ. Sau đó mổi ngày, cô “tặng” bạn hiền một xô để tắm cho sạch sẽ. Đôi khi trời mưa, tôi cũng “trả ơn” cho cô bằng cách hứng nước vào phi. Mưa nhiệt đới ầm ầm, sấm chớp vang trời, nước từ trời tuôn xuống xối xả, chẳng mấy chốc mà đầy phi tha hồ xài.
Mỗi ngày độ khoảng bốn giờ sáng, nhiều tiếng động trong barrack làm tôi giật mình. Tôi vội vàng thức dậy, đem cái xô ra ngoài bồn nước, đặt nó ngay ngắn đàng sau một hàng xô chậu đã im lìm nằm đó không biết từ bao giờ, chắc chắn phải trước bốn giờ sáng, giống như hành khách xếp hàng chờ mua vé xe đò. Xong việc, tôi đi vào bên trong, cố gắng dỗ giấc ngủ trở lại. Khoảng năm giờ thì có tiếng xe gắn máy hụ lớn bên ngoài báo hiệu nhân viên Nam Dương đã đến, chuẩn bị mở khóa cho vòi nước chảy. Dân trong barrach ùa ra, nhưng không ồn áo chen lấn hay xô đẩy. Họ kiên nhẫn đứng chờ tới phiên xô chậu của mình để đẩy đến vòi hứng nước. Đây là điểm son của dân tị nạn, mới ra khỏi “thiên đàng hạ giới” đã học được đức tính tốt của xã hội văn minh. Nước chỉ tuôn chảy năm phút thôi, rồi nhân viên Nam Dương tắt vòi, khóa lại, trước khi di chuyển đến barrack khác để tiếp tục quy trình mở nước. Do đó, ai thức dậy trễ đem đồ ra hứng nước thì hởi ai “đời mất em rồi vui với ai?”. Anh chàng Nam Dương làm công việc này, ai gặp một lần phải nhớ mãi. Người nhỏ con, tóc quăn, nước da đen sậm. Dân tị nạn ai cũng ốm trơ xương sau bao năm thiếu ăn, nhưng anh ta còn ốm hơn. Đi mở nước khi trời mới tờ mờ sáng mà anh vẫn ăn mặc bảnh bao, ngon lành. Quần tây đen may bó sát hai chân, muốn cởi ra không phải dễ, áo sơ mi sọc, dài tay, màu sặc sở, bỏ vô thùng đàng hoàng. Như vậy chưa đủ, anh ta còn mang thêm một cặp kiếng mát đen le lói. Mấy bà đang đứng đợi hứng nước chỉ đưa mắt nhìn nhau, thấp giọng bình phẩm bằng tiếng Việt nhưng cũng đủ cho mọi người nghe, “chỉ có một người không hiểu” là anh chàng Nam Dương. Tôi gọi là mấy bà cho có lễ độ, chớ gương mặt họ không lớn tuổi hơn tôi bao nhiêu. Đa số họ đi vượt biên môt mình, chồng con còn ở lại Việt Nam hoặc còn ở vậy chờ người trong mộng.
Một bà chua chát nói:
‘Cách ăn mặc của anh chàng này làm tôi nhớ đám bộ đội chiếm đóng Sài Gòn mấy tháng đầu sau ngày 30/4. Nhiều thằng nghênh ngang, gương mặt xấc láo, đầu đội nón cối, mắt mang kiếng mát đen Chợ Lớn, trên vai là chiếc radio Sanyo ba băng tổ bố, tay mang đồng hồ Seiko, quần áo bộ đội nhăn nhúm như giẻ rách, “nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi”. Dân Sài Gòn gọi họ là “khỉ Trường Sơn”. Từ khi cha sinh mẹ đẻ, tôi chỉ thấy khỉ trong sở thú, nào biết khỉ Trường Sơn hình dáng ra mô tê?’
Nói xong, bà cười tự khen cho câu khôi hài của mình đã bôi bác các chiến sĩ nhân dân anh hùng. Khi còn ở trong nước, người ta sống trong màn sương mù của sự trả thù, nghi ngờ và sợ hãi, mặc dù có miệng nhưng không dám nói. Bây giờ, chỉ mới trước cổng thiên đàng mà họ đã như con sáo xổ lồng, kể lại những sự việc chướng tai gai mắt ngày xưa.
Một bà khác phụ họa:
‘Bà nhắc khỉ Trường Sơn làm tôi nhớ lại dịch ghẻ ghê gớm lan tràn khắp miền Nam thời gian trần ai khoai củ đó. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, trẻ già bé lớn thi nhau gãi rồn rột. Người ta rỉ tai bí mật với nhau là con cái ghẻ theo khỉ Trường Sơn từ rừng về thành phố.”. Công an mà nghe được, ủ tờ là cái chắc, và vô đó thì tha hồ mà gãi như cô gái gãi đàn trong bài Tiếng Đàn Ta Lư. Rồi bổng nhiên, dịch ghẻ biến mất không kèn không trống giống như sự bùng phát của nó.’
Một cô chờ đợi cơ hội nói đã lâu, vừa đẩy cái thùng của mình tới bên dưới vòi nước vừa nhìn “công tử Nam Dương” vội vàng chêm vào:
‘Nhà tôi ở quận ba, kế bên là một quán cà phê. Một buổi sáng, một nhóm bộ đội mang băng đỏ ghé vào quán nhằm mục đích tiếp xúc với dân địa phương đang ăn điểm tâm. Chủ quán lịch sự hỏi họ có muốn uống cà phê không và kiểu nào? Trưởng nhóm lúng túng không thể công khai thừa nhận rằng cà phê là một mặt hàng xa xỉ ngoài tầm tay của người dân miền Bắc. Một bộ đội chỉ tay vào một bàn và nói “Đồng chí dọn cho bọn tớ vài ly cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc như vậy.”. Họ muốn uống cà phê phin.’
Cô kể y như cô là ông chủ quán trong cuộc. Chuyện đó tôi biết rồi từ mấy thằng bạn gật gù kể cho nhau nghe khi nhậu đã xỉn xỉn say khi còn ở quê nhà. Nghe đã nhiều lần như một bản nhạc xưa, càng nghe càng thấy hay. Qua tới đây mới có duyên gặp “nhân chứng sống” đang đứng sờ sờ trước mắt chờ hứng nước tường thuật lại câu chuyện vô cùng sống động thì còn gì bằng. Công an không thể vu cáo đây là câu chuyện tuyên truyền nhảm nhí do bọn phản động đặt ra nhằm mục đích chống phá cách mạng.
Mấy bà cùng cười lớn. Anh chàng Nam Dương chả hiểu mô tê ất giáp gì cũng nhe răng cười theo. Hên quá, người Nam Dương không có phong tục bịt răng vàng, nếu không “răng vàng sáng chói”.
Đột nhiên, có một tiếng nói nhỏ nhẹ:
‘Bên Việt Nam, ông ca sĩ Chế Linh mặc dù đen nhưng tướng tá cũng hào hoa phong nhã, nhiều vợ lắm đào đâu có ế! Tôi thấy anh chàng Nam Dương này hiền lành, siêng năng và tốt bụng. Sáng nào anh ta cũng đến mở vòi nước đúng giờ cho mình có nước xài.’
Người phát biểu câu nói trên là Ngoan, một cô gái dân Bến Tre. Cô ta cũng thuộc nhóm vượt biên một mình. Nghe nói, cô học Trường cao đẳng sư phạm Tiền Giang gần tốt nghiệp trở thành cô giáo rồi bỏ đi. Trong thời kỳ chiến tranh, Bến Tre là “quê hương đồng khởi, cái nôi của cách mạng” nổi tiếng với “đội quân tóc dài” nên trong barrack người ta “ngán” cô, không có qua lại thân mật. Không biết tại sao cô lại lên tiếng bênh vực anh chàng mở nước?
Một bà chêm vô một cách thật thà:
‘Đúng rồi, tôi nghe nói Chế Linh có nhiều vợ lớn vợ nhỏ, đâu có ế. Biết đâu anh chàng Nam Dương này hên, có cô độc thân nào chịu. So với đám bộ đội, mặt nó cũng còn dễ coi, ít nhất môi không thâm đen vì nghiền thuốc lào và da không tái mét vì bệnh sốt rét kinh niên. Ngoan, ý mầy sao?’
Đứng cạnh bồn nước, tôi không nghe Ngoan trả lời. Ai mà trả lời cho câu hỏi kỳ khôi của bà. Tôi giương mắt nhìn anh chàng mở nước xem nhận xét của bà có khách quan không, nhưng vì trời chưa sáng hẳn nên tôi không có một kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, theo trí nhớ, môi thâm đen và da tái mét là hai điểm đặc trưng, nổi bật của những anh bộ đội trong lớp tôi, giống như ma cà rồng phải có hai răng nanh để hút máu.
Đại khái mỗi sáng sớm, tôi lại nghe những mẫu chuyện tương tự trao đổi với nhau của mấy bà các cô. Những chuyện thuộc loại “nghìn lẻ một đêm” trong chế độ mới cười ra nước mắt, không tin được dù đó là sự thật. Riêng cánh đàn ông thì chỉ đứng lặng thinh nghe, cùng lắm là có người lắc đầu hàm ý “hết ý kiến” cho những tình tiết trong câu chuyện mới nghe được. Tôi nghĩ chúng tôi là những người qua may mắn đã không còn sống trong ngục tù cộng sản. Nếu không, chẳng sớm thì muộn thì chúng tôi cũng bị Hội chứng tâm lý Stockholm làm cho “thương hại và cuối cùng đồng tình” với những kẻ đang hành hạ mình.
Thời gian qua mau. Tôi nói không đúng, cần nói lại. Thời gian qua rất chậm ở trại tị nạn. Ngoài công việc hứng nước vào sáng sớm, tôi vô cùng nhàn rỗi nhưng may mắn không có “nhàn cư vi bất thiện”. Sau vài tuần, tôi đã được Cao Ủy phỏng vấn và chấp nhận là người tị nạn. Bây giờ, tôi chỉ chờ đợi ngày các phái đoàn di trú của Mỹ, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi đến trại một tháng một lần để nộp đơn xin định cư ở quốc gia họ.
Tôi thèm có sách báo để đọc. Trong barrack có một thanh niên đi một mình. Không biết hắn có phải là “mọt sách” khi còn ở quê nhà mà thân nhân bên Mỹ gửi cho vài tạp chí Tiền Phong. Oái oăm cho tôi, tạp chí này là loại tôi thích đọc trước năm 1975. Khi hắn nằm đong đưa trên võng cầm tạp chí đọc, tôi thấy trang bìa. Sự tò mò và cơn ghiền đọc của tôi nỗi lên dữ dội. Tôi muốn biết sau khi tái xuất bản ở nước ngoài, tạp chí này còn có những bài viết giá trị và phong phú? Hắn biết tôi muốn mượn nhưng “phớt tỉnh ăng lê” lặng lẽ đọc xong, bỏ vào một phong bì lớn bên ngoài là một bao ny lông để dưới gối nằm như vật gia bảo của cha mẹ dùng để cưới vợ. Sau đó, tôi suy nghĩ ngày đêm tìm cách mượn đọc đở buồn. Trong khi “tơ lòng rối vò” chưa biết ngõ lời với hắn như thế nào thì một người khác cùng barrack tình cờ cho biết đừng có hy vọng vì nó còn khó hơn “đội đá vá trời” vì hắn đã tâm sự là những cuốn tạp chí đó rất quý cần phải được bảo quản cẩn thận cho đến ngày định cư. Cơn thèm thuồng muốn đọc tự nhiên biến mất, giống như người đang đói nhưng nhìn đồ ăn ê hề no ngang muốn ói. Tôi tự an ủi rằng con cọp có đọc Tiền Phong đâu mà người ta vẫn sợ nó? Tôi tìm thứ khác để đọc nhằm dỗ giấc ngủ trằn trọc mỗi đêm!
Thứ khác là Kinh Thánh. Số là khi tàu sắt Seasweep do Giáo Hội Tin Lành thuê mướn để chuyên chở dân tị nạn từ đảo Kuku sang Galang, mỗi người được ưu ái tặng một túi ny lông làm hành trang. Trong đó có một cái khăn lau mặt, một bịch bánh, và đặc biệt một quyển Kinh Thánh tiếng Việt dày cộm bìa cứng màu xanh nước biển và in đẹp. Đây là quyển Kinh Thánh đầu tiên tôi được sở hữu. Ngày xưa, mặc dù tủ sách của tôi, trước khi tôi tự đốt trong Chiến dịch bài trừ văn hóa phản động và đồi trụy của chế độ mới, có hàng trăm quyển nhưng không có Kinh Thánh. Thú thiệt, Kinh Thánh cũng làm cho tôi say mê. Tôi đọc đi đọc lại nhưng không theo thứ tự tự chương mà như cóc nhảy, nghĩa là tôi lật tìm đọc những cuộc chiến tranh giành giật ngai vàng triền miên của xứ Do Thái và sự trừng phạt khốc liệt của Thượng Đế trong Cựu Ước, và những câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa của Chúa Giê Su dạy cho đệ tử và dân chúng trong Tân Ước.
Những người trong barrack đề cử tôi vào một vai trò một tháng một lần đi lãnh rau cải tươi trên kho lương thực gần chợ cấp phát bởi Cao Ủy đem về barrack chia lại cho mọi người. Họ nói tôi học đại học tất nhiên phải “giỏi toán” để có thể chia công bằng. Thực tế thì trái lại, rau cải chủ yếu là bí rợ và dưa leo, tuy không nhiều nhặn nhưng không cần dùng toán học để chia. Khi tôi vác bao rau cải về, chiều hôm đó barrack trở thành cái chợ. Bà con bu quanh cái giường của tôi giống như chờ Chúa Giê Su phán xử trong ngày tận thế. Chia dưa leo thì rất dễ. Có khi một đầu người được một trái nhỏ, hay nửa trái tùy theo số lượng lãnh trồi hay sụt. Chia bí rợ là nhức đầu vì chỉ có năm, sáu trái bí cho gần sáu mươi người. Tôi mượn một con dao, cắt từng trái bí ra từng miếng lớn và nhỏ chia cho từng gia đình. Chỉ có những người độc thân thì cần giải quyết cách khác, chẳng lẽ cắt cho mỗi người một lát bí mỏng thì nấu nướng làm sao mà ăn? “Cái khó ló cái khôn”. Tôi đưa một trái bí cho một chị hiền lành có con nhỏ, nhờ chị nấu dùm một nồi chè bí không đường. Tối đó, những người độc thân, ai muốn ăn thì tới “giang sơn” của chị, mang theo chén, tự múc vài lát bí ăn. Ai không tới thì xem như mất phần, tôi không có trách nhiệm phân xử gì hết khi cái nồi đã láng bóng, sạch trơn. Trong một buổi ăn chè bí Cao Ủy đó, tôi gặp Ngoan cầm chén đứng ăn một mình. Tôi bắt chuyện tạo tình thân mật:
‘Khi tôi còn nhỏ, má tôi nói “ăn bí bổ óc”. Do đó, tôi thích ăn bí lắm cho bớt ngu. Nhưng ăn hoài vẫn không thấy khôn hơn chút nào. Ngu vẫn hoàn ngu. Tôi không hiểu xứ Nam Dương này nắng nóng có thích hợp cho trồng bí hay không mà Cao Ủy lại mua phát cho dân tị nạn. Tôi nhận thấy bí ở đây không bùi và ngọt như bên Việt Nam. Cô có thích ăn bí không?’
Ngoan chê miệng cười. Cười xong rồi, cô nói:
‘Khi em đi học, nhà ăn tập thể của trường cho ăn bí dài dài. Ăn muốn khùng luôn! Còn bây giờ, cả tháng mới ăn bí một lần, không có thì nhớ, thì thèm.’
‘Như vậy, tôi đoán chắc cô khôn lắm. Tôi nghe nói vài người nói là cô học Trường cao đẳng sư phạm Tiền Giang. Tôi có nhiều người bạn cũ thời trung học học ở đó. Nếu tôi kể tên vài đứa, biết đâu là bạn của cô.’
Ngoan vừa lắc đầu quầy quậy vừa phân bua:
‘Em không biết bạn của anh đâu bởi em giao thiệp kém lắm. Anh biết tại sao không? Sinh viên từ các tỉnh khác đồn con gái Bến Tre dữ đến lính Mỹ còn sợ.’
Tới phiên tôi cười. Tôi nói:
‘Mà cô có thấy mình dữ không? Cái đó mới quan trọng.’
‘Em đâu biết.’
Câu chuyện phát triển theo chiều hướng thân thiện. Tôi nghĩ nhân dịp này tôi hỏi cô về lý do cô đi vượt biên để giải tỏa sự tò mò bấy lâu nay của mình. Tôi nheo mắt:
‘Gương mặt cô hiền thấy bà. Cô học sư phạm làm cô giáo là đúng nghề Trời muốn rồi. À! Tôi hỏi cái này, bộ cô không muốn làm cô giáo hả? Cô không trả lời câu hỏi của tôi cũng được vì tôi đâu phải là Cao Ủy.’
Ngoan ngần ngừ. Cô lặng thinh suy nghĩ trong vài phút rồi phá vở sự im lặng:
‘Thôi em kể cho anh nghe, nhưng anh hứa là không được đi nói tùm lum à nha.’
‘Tôi thuộc loại người sống để bụng, chết mang theo, cô đừng lo.’
‘Nhà em ở Bình Đại. Anh biết nơi đó đa số là gia đình cách mạng. Nhưng nhà em thì không phải. Một nhà hàng xóm có một đứa con trai làm công an. Môt hôm, nó qua nhà hỏi má em muốn cưới em làm vợ. Em sợ quá nên bỏ học đi vượt biên.’
Tôi gật đầu thông cảm. Vài người tới ăn bí nên câu chuyện với Ngoan kết thúc ngang xương ở đó. Thực tình, tôi muốn hỏi Ngoan thêm cho rỏ ngọn ngành bởi vì tôi nghĩ phải có thêm lý do gì khác thúc đẩy Ngoan đi đến quyết định liều mình sống chết vượt biên, chẳng lẽ chỉ không thích có chồng công an?
Một buổi sáng, tôi đi xuống chợ tìm vài người bạn cùng quê. Cuối con đường đất mòn ngoằn ngoèo là bệnh xá của trại. Khi đi ngang qua đó, tôi thấy ông Quang chủ ghe đang ngồi chờ khám bệnh. Ông cũng thấy tôi nên ngoắc tôi vào. Ông hỏi:
‘Vân mầy đi đâu vậy?’
‘Tôi đi xuống chợ tìm mấy thằng cùng quê nói chuyện chơi. Tụi nó thường đóng đô tán dóc ở một trong những quán cóc bán milo (ca cao). Còn anh bị bệnh gì mà ngồi chờ khám bệnh ở đây?’
Ông lắc đầu:
‘Tao cứ lo lắng bồn chồn suốt đêm không ngủ được. Tới đây xin thuốc ngủ.’
‘Trước khi đi, tôi có nói với anh là phải dẫn theo vợ con rồi, mà anh sợ hải tặc làm ẩu không nghe. Nhớ vợ con không ngủ được là “chuyện thường ngày ở huyện”.’
‘Đâu phải vậy mậy. Tao già rồi đâu phải trai trẻ như mầy mà nhớ nhung tầm bậy. Tao mỗi đêm cứ nằm chiêm bao thấy còn kẹt lại bên Việt Nam. Tao sợ quá thức tới sáng luôn.’
‘À tôi cũng bị cái đó. Anh xin thuốc đi, rồi cho tôi vài viên.’
Ông Quang ngó quanh quất xem có ai đang lắng nghe câu chuyện của chúng tôi không? Không thấy ai, ông hạ giọng nói tiếp:
‘Mầy biết trong barrack của mình có một chuyện động trời mới xảy ra không?’
‘Có ai nói cho nghe mà biết. Chuyện gì?’
‘Cách đây mấy ngày, hai đứa con tao trên đường đi học về, thấy thằng mở nước chở con Ngoan, ngồi đàng sau xe Honda của nó ôm eo ếch tình tứ lắm.’
Người này ôm eo ếch người kia mà ông cũng cho là chuyện động trời, làm như ông tu đã lâu và mới ra khỏi chùa. Tôi nói cho vui:
‘Sau 30/4/1975 chính quyền mới bắt nhốt anh về một tội tưởng tượng, gán ghép, anh còn nhớ không? Tội gián điệp làm cho CIA. Như vậy, tụi nó bắt đúng người rồi, oan ức chỗ nào? Chuyện gì anh cũng biết.’
Ông Quang cười. Tôi nói tiếp:
‘Không chừng hai đứa con của anh “nhìn gà quá cuốc”! Mà nếu đúng vậy thì có sao đâu. Trai gái đang thì, thì phải mến nhau như ếch bắt cặp. Tôi hỏi anh cái nầy. Nếu tình cờ anh bắt gặp Chế Linh chở đào đi chơi, anh có ngạc nhiên không? Hay là anh kỳ thị người Nam Dương mặc dù họ cho dân mình tạm dung trên xứ sở của họ.’
‘Không phải. Tao thấy kỳ quá. Dân tị nạn chỉ ở trại một khoảng thời gian nhất định rồi đi định cư vĩnh viễn không bao giờ trở lại nơi đây. Con Ngoan nếu không thật lòng thì tội nghiệp thằng mở nước.’, ông giải thích.
Tôi lắc đầu:
‘Thật sự tôi không biết ai là người đáng tội nghiệp. Hay cả hai?Tại duyên số cả. Bên Việt Nam, người ta hay nói dép còn có số mà, anh quên à?’
Ông Quang lại cười. Tôi nghĩ ông đồng ý với tôi. Cầu tàu của Galang 1 là nơi người tị nạn tạm biệt nhau, hạn ngày tái ngộ ở một phương trời nào đó. Có những cặp mới quen trong trại, ngâm ngùi chia tay. Một người xuống tàu sang Singapore, mỗi bước chân đi đều ngoái đầu lại nhìn người yêu đang thẩn thờ đứng trên bờ như người mất hồn, giống như người lính thú ngày xưa theo lịnh Vua lên đường đánh giặc, bỏ lại vợ thơ dại ở quê nhà:
“Thùng thùng trống đánh ngủ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”
(Ca dao)
Có cặp, nàng gục đầu trên vai chàng, khóc sướt mướt ướt cả khăn mù soa giữa thanh thiên bạch nhật, cho bàn dân thiên hạ chứng kiến, bởi vì “Yêu, là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu - Yêu)
Nhưng cũng có cặp, mặt mày tươi rói, phấn khởi chia tay không bịn rịn bởi vì bản nhạc tình yêu họ đã chung nhau hát đến nốt cuối cùng một cách tự nguyện và sòng phẳng, đâu có gì hối tiếc.
|