ĐUA XE THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA. Story #: 122
1. Đua Xe.
Nhộn nhịp nhất là những cuộc đua xe gắn máy, trong các dịp lễ như Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10 của nền Đệ I Cộng Hòa, hay Ngày Quân Lực 19 tháng 6 của nền Đệ II Cộng Hòa, thường được tổ chức ở sân vận động Cộng Hòa, quận 10 hay sân vận động Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng, quận nhứt.
Các lò làm xe đua như lò Tám Giàu ở Xóm Cũi, hay lò Thành Hưng ở quận Nhì…
Tay đua Trần Văn Hai, còn gọi là Hai Tịnh, là tay đua của lò Thành Hưng. Lò Thành Hưng nằm ở góc đường Phát Diệm và Võ Tánh, là một trong những lò làm xe đua, đã đạt được nhiều giải huy chương vàng trước năm 1975 (bác Chín, chủ lò Thành Hưng là anh ruột của bác Mười Vũ – một trong những người sáng lập ra chợ trời xe gắn máy Gia Long)
Vào những ngày trước khi có cuộc đua xe xãy ra, các tay đua của lò Thành Hưng, hay các tay đua độc lập như Anh Năm Thà (mang số 35), thường đem xe ra chạy thử ở đoạn từ đầu đường Gia Long đến ngã ba Nguyễn Phi. Cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, khác thường kèm với những âm thanh của tiếng máy xe gầm rú, hình ảnh những chiếc xe đua phóng lướt đi với tốc độ rất cao, gây nhiều âm thanh náo nhiệt, ồn ào ở nơi đây!
Vào thời kỳ đầu, các lò xe đua đều sử dụng xe máy Sachs, sườn Brumi, dung tích lòng xy- lanh 49cc, xoáy hết cở cốt 4, tôc độ chạy đường trường đạt đến 100 - 110km / giờ.
Sau khi các loại xe gắn máy của Nhật nhập đại trà vào từ năm 1966. Lò anh Tám Giàu ở Xóm Củi, đầu tiên làm xe Honda đưa vào sân để tranh tài cùng với các loại xe máy Sachs, nhưng chạy không lại. Tay đua Trần Văn Hai chạy xe Brumi vẫn luôn đoạt nhiều giải huy chương vàng trong nhiều năm liên tục.
Không ai làm xe Yamaha để đua, chỉ riêng độc nhất tay đua Năm Thà, mang số 35 sử dụng xe của hảng Bridgestone.
Sau đó vào khoảng năm 1970, các lò đua đã biết kỹ thuật, móc lổ xăng, vớt đầu quy lát (cylinder head), mỗ pô… Và từ đó xe Honda đã làm mưa làm gió trên các đường đua!
Chính tay đua Trần văn Hai, cũng đành phải chia tay với chiếc xe Brumi của mình, chuyển sang chạy xe Honda!
Ngoài những kỹ thuật về máy như xoáy lòng cy- lanh, khoét lổ xăng, lổ lửa, móc pô… Các xe đua phải tháo rời những gì không cần thiết, để cho xe nhẹ bớt đi trọng lượng. Họ còn phải thay nhông trước, dĩa sau cho xe đạt đến tốc độ tối đa.
Người viết bài cũng đã từng chạy xe lòng cy-lanh 50 xoáy 65 cc, nằm trên yên chạy trên xa lộ Đại Hàn, xe đạt đến tốc độ 120 - 125 km/ giờ lúc đó. Nhưng khi vào đường đua sân Hoa Lư, chạy thử chiếc xe đua, chỉ có một vòng tròn, đã cảm thấy muốn rớt tim ra ngoài. Vì máy xe rất mạnh, mà đường đua toàn là đá nhỏ, quá trơn trợt. Như vậy mới cảm thấy bái phục những tay đua xe, có được sức khỏe và thần kinh thép, vô cùng dũng cảm và quá gan lì!
Vì sau này các lò đua đã gắn lòng cy-lanh 89 cc xoáy lên đến 110 cc. Nên máy xe rất mạnh (lòng xy lanh – cylindre 89cc lấy ra từ các xe Honda S 90, mua lại của người Mỹ).
2. Anh Hùng Xa Lộ.
Còn những cuộc đua xe bất hợp pháp, thường được tổ chức trên xa lộ Biên Hòa (đoạn đường từ Nghỉa Trang Quân Đội), Đường Sơn Quán hay khu vực Bà Hom - vòng đai xa lộ Đại Hàn vào khoảng năm 1969 – 1970. Các tay đua được truyền miệng nhau, về địa điểm sẽ tranh tài. Rất đông những thanh niên nam nữ và người đi theo xem, hay dân chơi cá độ tiền.
Tham dự những cuộc tranh tài này thật thú vị, vô cùng hào hứng và thật quá gay cấn, hồi hộp…
Thường khi phải có người luôn canh chừng cảnh sát bố ráp. Cảnh sát mà bắt được, phải đóng phạt tiền rất nặng. Những cuộc đánh cá thường từ 500 ngàn hay có khi đến bạc triệu.
Đoạn đường đua trên xa lộ thường không dài lắm, khoảng chừng 8- 10 Km. Sau khi đưa tiền cho trọng tài giữ. Hai tay đua đem xe chạy đến chỗ xuất phát.
Sau khi nhận được lệnh xuất phát. Hai chiếc xe gầm rú lên, tống hết công suất, vụt phóng đi như hai viên đạn pháo rời nòng, bay lướt trên mặt đường nhựa nóng bỏng. Thường thì những người đi theo cá độ hay đi xem, rất thích chạy xe theo sau đuôi.
Vì xe đua chạy tốc độ cao, nên dĩ nhiên muốn chạy theo xem, thì máy xe của mình cũng phải đủ mạnh để bám đuôi theo hai xe đua!
Nếu đứng tại chổ gần mức đến, xem cuộc đua xe, bạn cũng có những cảm nhận kinh nghiệm khác. Xa xa tít tầm mắt chỉ là hai chấm màu đen mờ nhỏ, bạn đã nghe âm thanh thật dòn của hai chiếc xe vang vọng đến… Và rồi hai chiếc xe trông như không có người lái (vì hai tay đua này, hai tay cầm tay lái, đang nằm dài, ép mình dẹp sát trên yên xe, hai chân duỗi thẳng đàng sau). Khi xe chạy ngang qua mức đến, âm thanh của nó gầm rú như tiếng nổ của máy bay phản lực… và tích tắc, vụt qua mất hút trong tầm nhìn của bạn! Lúc đó, tim của bạn đang đập rất mạnh vì hồi hộp và căng thẳng!
Có khi cuộc đua xe bất phân thắng bại. Vì hai tay đua đã cùng bay xuống nước (khu vực xa lộ Đại Hàn, gần ngã tư Bà Hom, toàn là đồng ruộng)! Vì khi gần đến mức đến, một tay đua đã thấy mình thua, liền lấn ép xe kia cùng lao xuống ruộng!
Hoặc khi bị cảnh sát rượt đuổi, thiên hạ mạnh ai nấy chạy tán loạn, bung ra tứ phía, nên cuộc đua xe thất bại. Có người bị bắt đem về đồn, tạm giữ vài giờ, đóng tiền phạt.
Trong các lò móc xe chạy trên xa lộ. Có anh gọi là Phì Lũ (người tàu, to mập) ở khu vực chợ Thị Nghè. Chuyên môn xoáy nòng xe và chỉnh bình xăng con (carburateur – còn gọi là bộ chế hòa khí). Một người bạn thân, đã tốn không biết bao nhiêu tiền bao anh ta ăn uống, để nhờ làm xe độ. Vậy mà khi chạy trên đường ra Vũng Tàu chơi. Người bạn thì nằm trên yên xe chạy trên 120 – 130 km/giờ, mà Phì Lũ thì ngồi xỗng lưng, xe vẫn chạy phom phom, lướt nhẹ nhàng qua mặt xe người bạn. Người bạn rất buồn, vì phì lũ đã không thật lòng đối với anh ta (vẫn còn dấu nghề)!
Trung Vũ Dhammasila
Trích bài viết Chợ Trời Xe gắn Máy Cũ Gia Long
|