CHA DƯỢNG Story #: 135
Ba tôi mất sớm do bạo bệnh, mẹ tôi bước thêm bước nữa. Tôi gọi là cha dượng, ông là người đàn ông cục mịch, quê mùa nhưng được cái hiền lành chất phát. Ai cũng lo sợ cảnh con riêng của vợ khó lòng ở với cha dượng. Mẹ tôi cũng rất lo lắng cho tôi nhưng cũng yêu ông ấy nhiều lắm.
Năm đó tôi mới học lớp chín mỗi ngày mẹ dẫn bộ tới trường rồi ra chợ bán.Tan học trên đường về tôi hay ghé chợ phụ mẹ dọn dẹp rồi về nhà luôn. Thấy mẹ tôi cực khổ ngày nào cũng dắt tôi tới trường rồi ra chợ nên ông Tư cuối hẻm tình nguyện chở mẹ con tôi mỗi khi chiều về. Ông góa vợ cũng đã lâu mà cũng không có con cái nên ai cũng tán đồng muốn mẹ tôi với ổng rổ rá cạp lại nhau .Ban đầu tôi không đồng ý nhưng thấy mẹ tôi cô đơn mỗi khi đêm về và những công việc nặng nhọc phải cần đến đàn ông trong nhà thì tôi không thể nào làm ngơ. Tôi muốn mẹ tôi hạnh phúc nhưng cũng lo sợ gặp phải cảnh cha dượng con riêng. Mẹ tôi cũng cần có bàn tay người đàn ông che chở và một bờ vai vững chắc làm chỗ dựa .Thôi thì cứ để mọi thứ do ông trời quyết định.
Rồi ngày đó đã đến, mẹ tôi và ổng cùng thành đôi sau khi cúng mâm cơm cho ông bà. Về ở chung nhà mới thấy đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, ai cũng có khiếm khuyết nên phải nương nhờ nhau mà sống. Ông cha dượng tôi có tật hút thuốc mà tôi thì chúa ghét những ai như vậy, ổng biết tôi không thích nên mỗi khi hút thuốc ông thường ra ngoài hút, ông thì kiệm lời ít nói. Nhà cửa một mình ông quét dọn. Hôm nào nhà không có gì ăn thì ổng dắt cả nhà ra quán .Tôi không thích ổng nên thường hay xét nét, nhưng khi có mẹ ở nhà thì tôi giả vờ thích ổng cho mẹ tôi vui. Ông rất thương tôi tuy không nói ra, đợi tôi đi học vắng nhà ổng mới quét dọn nhà cửa và trong phòng của tôi. Về khoản nấu ăn thì khỏi phải chê, ổng nấu ăn ngon lắm, nghe đâu hồi xưa ổng dưới quê lên thành phố cũng bôn ba bươn chải làm đủ thứ nghề để sinh sống, trong đó có nghề nấu ăn sau này có tuổi rồi ông chạy xe ôm kiếm sống.
Từ ngày có ông về nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp lại cơm canh nóng sốt. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không ưa ổng, có lẽ trong thâm tâm tôi hình bóng người cha quá cố của tôi không ai thay thế được. Sáng nào ổng cũng chở mẹ con tôi tới trường học còn mẹ thì ra chợ, chiều trở về. Một buổi chiều mưa bay lất phất, tan giờ học tôi đứng ngoài cổng trường đợi ông rất lâu nhưng không thấy ông tới. Tôi sốt ruột lắm cho đến khi trời tối dần và đèn đường sáng lên thì từ xa ổng chạy tới hơi thở gấp gáp, mồ hôi nhễ nhại, quần áo xộc xệch. Tôi giận ông lắm không thèm chào, im lặng leo lên xe để ông chở về nhà. Chở tôi về nhà xong ông phải quay ra chợ để phụ dọn dẹp đưa mẹ tôi về.
Bữa cơm tối muộn màng không ai nói câu nào, ổng chỉ nói nhỏ là xin lỗi hôm nay phải rước mẹ con về muộn. Mẹ tôi chỉ mỉm cười phụ ông dọn dẹp rửa chén bát, chỉ có tôi lầm lì ăn cơm xong là lên gác vô phòng nằm ngủ. Nằm trên gác tôi nghe rõ mẹ tôi nói là tháng này tôi thi tốt nghiệp phải xin thêm tiền đóng học phí. Chiều nay cha dượng tôi phải nhận chở thêm hàng để có tiền đóng tiền học thêm ngoài giờ. Nghe đến đây khóe mắt tôi cay cay vậy mà tôi trách lầm ổng. Mẹ bảo bây giờ con lớn khôn rồi nên mua xe đạp chạy đi học cho ba đỡ phải đưa đón. Nhiều khi ba bận chở đồ nên quên rước con. Ổng nghe nhưng không chịu bảo là con còn nhỏ, bây giờ đường xá rất nguy hiểm nên phải có người đưa đón. Nói qua nói lại cuối cùng ba tôi phải nhượng bộ mua xe đạp cho tôi.
Vậy là mấy ngày sau đó cha dượng mua cho tôi chiếc xe đạp để tập đi, tôi cố đạp và bị té sưng đầu gối. Ổng chạy ra nhà thuốc tây mua bông băng về băng bó và dặn đừng cho mẹ tôi biết. Có lần tôi ham chơi nghe lời bạn bè đạp xe tới sân Tao Đàn xem đá banh, mãi mê xem nên không để ý chiếc xe bị mất cắp, tôi ngồi khóc cả tiếng đồng hồ. Ông nghe tin chạy đến nói đừng cho mẹ tôi hay để từ từ ông tính. Có thể nói qua những ngày sống bên nhau ổng thương tôi thật sự như con ruột. Từ lúc chở đi học cấp hai cho tới khi tôi trưởng thành và thi vào Đại học. Hôm nhận được tin tôi đậu Đại học ông không cầm được nước mắt. Mẹ tôi nắm tay ông mỉm cười mãn nguyện.
Đến lúc tôi lấy chồng thì mái tóc ông đã chớm bạc. Lúc lên xe hoa về nhà chồng mẹ tôi khóc nhiều lắm. Cha dượng tôi thì được mặc bộ veston thật đẹp sánh vai cùng mẹ tôi lên khán đài. Niềm vui của cha mẹ là được trông thấy con đươch hạnh phúc. Sau ngày cưới thỉnh thoảng vợ chồng tôi về ghé thăm ông bà, thấy cha dượng tôi đã già và yếu đi nhiều. Lúc này mẹ tôi cũng đã nghỉ bán ở chợ.Tôi nói ba nghỉ chạy xe ở nhà để vợ chồng tôi phụng dưỡng nhưng ông không chịu bảo còn sức khỏe nên còn chạy xe được.
Một hôm trời mưa giông gió bão. Ông đưa khách xong trên đường về, gặp trời tối lại mưa to nên chạy qua khúc cua cuối đường có chiếc xe tải nhỏ không thấy nên va quẹt, cú va chạm tuy nhẹ nhưng ông té xuống đường và bất tỉnh. Bà con đi đường trông thấy vội đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Mẹ tôi nghe tin vội chạy đến, bác sĩ chẩn đoán ba tôi bị té gãy xương đùi mất máu nhiều nên kêu người nhà hiến máu. Khi nghe tin vợ chồng tôi chạy đến xin được hiến máu, nhưng do máu của ông là loại máu hiếm và thời gian chuyển vào bệnh viện quá lâu khiến việc chữa trị muộn màng. Ông nằm thêm ba ngày nữa thì bác sĩ kêu đưa về nhà lo hậu sự.
Tôi nghe tin mà bàng hoàng đứng chết lặng. Sự việc diễn biến quá nhanh. Không ngờ mới thấy ông còn khỏe mạnh đó mà giờ đây phải chuẩn bị lìa xa. Mẹ tôi khóc không nói nên lời.
Bây giờ ngồi đây nhớ đến ông như cuốn phim chiếu chậm. Tôi nhớ lại mới ngày nào ổng chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng đến trường đi học rồi sau này là honda. Nhớ cái hôm ông đến muộn do chở thêm hàng lấy tiền đóng học phí cho tôi vậy mà tôi giận tím tái không thèm chào ông một tiếng, rồi chiếc xe đạp ông mua cho tôi để tập chạy, cũng vì ham chơi mà để mất chiếc xe ông phải nhịn ăn nhịn uống mua chiếc khác cho tôi. Cũng vì thương tôi mà ông quyết tâm cai nghiện thuốc lá. Và còn nhiều chuyện lắm, cả đời này kiếp này tôi không thể nào tìm được người cha nào như thế. Tuy ông là cha dượng nhưng tôi đã xem ông như là cha ruột của mình. Vậy mà chưa lần nào tôi gọi ổng một tiếng là ba.
Nếu có kiếp sau cho con xin gặp lại ba dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào con cũng xin làm con của ba và thương ba nhiều lắm, ba ơi !
Dinh van Son
|