Sau 360 ngày, những gì đăng lên đây sẽ tự động biến mất.

Gallery
Upload Photo & Post Posting List Tìm Bài Viết Đăng Bài mà Không Cần Đăng Kí Tên
CHỊ HAI Story #: 260
Sau đêm sinh nhật của bạn học cũ, Tâm trở về nhà trong cơn say loạng choạng.
Chân bước thấp bước cao ngả nghiêng, khập khà khập khiễng lên bậc tam cấp
với tình trạng khó khăn. Trong tâm trí ý thức được một điều đèn sáng chưa
tắt, tức là nhà còn đang thức, chưa ngủ để chờ đợi trở về. Nó vốn dĩ
là người sợ ba má. Tuy con trai một, lại út trong gia đình, nhưng nhiều khi đi
chơi quá lố giờ đến tận khuya khoắt vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Tới khi trở
về cây roi lúc nào cũng trong tư thế chờ chực, nhằm khẳng định một điều
sắp sửa bị ăn đòn. Cái tuổi mười ba, Tâm ham chơi vô cùng. Tính tình ngang
bướng cứng đầu cũng có phần nhút nhát, má đánh ngày trước thì ngày sau lại
tiếp tục trốn đi chơi. Mặc dù lúc đó thề thốt, hứa hẹn đủ thứ chuyện
trên đời, tỏ ra người uy tín! Không tới quá hai ngày thì cái chân lại ngứa,
phải đi bằng mọi cách! Hôm nay cũng vậy. Tâm nín thở cố giữ mặt bình tĩnh
để bước vào nhà, ngăn không cho mùi rượu thoát ra theo từng hơi thở. Chân ráng
đứng vững không xiêu vẹo, cử chỉ hành động phải thật linh hoạt dứt khoát
như bình thường mọi khi, nhằm giấu người nhà về việc uống rượu vừa xảy
ra tối nay. Mới chuẩn bị đi vô gặp má với chị hai Thu ngồi coi tivi trên cái
đi văng đã từ hồi nào rồi. Tay chân bắt đầu run như đang giữa rét đông,
thấy cây roi để cạnh bên hông lớn cỡ ngón chân cái, tự nhiên thấy người
tỉnh táo hẳn ra. Giọng má quát lên. “Mày đi đâu bây giờ mới về. Biết mấy
giờ rồi không?”. Tâm nhìn chị hai qua đôi mắt không mấy thiện cảm, rồi
bắt đầu dõi sang má nhẹ giọng nhằm phân minh. “Dạ! Con đi sinh nhật thằng
Tú dì Sương. Về trễ là do bị thủng bánh xe, trời tối thui tìm nơi vá khó quá,
phải dắt bộ xuống tít ở dưới ngã ba mới có tiệm của ông Sơn mở cửa”. -
Nói xong Tâm giả vờ ngồi xuống thở dốc, như cho biết rằng cái mệt mỏi đang
thực sự diễn ra. Chị hai Thu nghe qua biết đó là lời nói dối. Cái tánh của
thằng em xưa nay, còn lạ gì trong mắt cô. “Nó nói xạo đó má. Không tụ tập
ăn nhậu con đi bằng đầu dưới đất”. Bà nhìn Thu, rồi chuyển hướng mắt
sang Tâm. Biết trước câu hỏi mà má đang chuẩn bị đưa ra. “Mày có uống
rượu không?”. Nó đáp tỉnh bơ như chẳng hề có chuyện gì lớn lao. “Dạ
có, nhưng con chỉ uống có hai ly mà thôi”. Thu cười, vì trước tới giờ chưa
bao giờ cô nói sai, đặt điều gây oan ức cho đứa em của mình. Nhất cử nhất
động, mọi mánh lới tung ra đều bị cô phanh phui vạch trần hết tất cả.
“Đó, má thấy chưa? Con có nói oan cho nó bao giờ đâu. Mới có bây lớn không
chịu học hành bày đặt đua đòi theo cái thói ăn chơi lêu lổng”. Má cầm cây
roi chỉ thẳng về phía mặt Tâm. Bà hậm hực muốn nổi trận lôi đình khi nghe
chính miệng của thằng con út vừa mới xác nhận. “Mới có bây lớn cũng bắt
chước người ta rượu với chè, tổ cha mày”. “Thằng này má không dạy nghiêm
khắc lớn lên nó hư cho thấy. Giờ còn tí tuổi đã uống rượu, thêm vài năm
nữa sẽ ra sao? Không bụi đời thì cũng xì ke ma túy thôi”. - Thu giả lả nhìn
bà rồi bồi thêm vài câu nhằm khuyến khích việc đánh để uốn nắn dạy
dỗ. Tâm bặm môi nghiến răng tỏ ra vẻ căm phẫn vì vốn dĩ không liên quan
đến chị hai, thế mà mãi đốc thúc cho ra chuyện mới vừa bụng hả dạ, đôi
mắt nó giận dữ trợn trừng hướng về phía cô, lớn tiếng đanh đá nhằm trấn
áp tinh thần, đồng thời ngăn không để Thu tiếp tục thả gió thành
bão. “Hồi chiều tôi nhớ rất rõ, nhà ăn canh khoai mỡ nấu tép với thịt,
đâu phải khoai môn mà bây giờ bà lại ngứa miệng. Bà đi chơi ai nói gì
tới”. Thu nói với giọng đầy mỉa mai. Muốn chọc cho nó thêm nổi giận nhằm
vô lễ với mình. Nếu vậy chắc chắn bị ăn đòn là điều không tránh khỏi. Cô
đang rất muốn xảy ra trong lúc này. Trước đó có nhiều lần Tâm hỗn hào với
chị. “Tao đã lớn, mày còn nhỏ. Vả lại không phải ngày nào cũng đi, mà chưa
có khi nào về đến quá khuya. Tự nhìn lại xem, một tháng đã đi hết 30 ngày. Lơ
là bỏ bê việc học thì cấm là đúng”. “Tôi không đi ở nhà mà thấy cái
mặt của bà, mất công sôi máu rồi thêm ra chuyện. Chính vì vậy phải đi cho
khuất mắt” “Mày vừa nói ai đó”? “Không những xấu xí, mà lại còn bị
điếc. Nói bà chứ chẳng lẽ ma! Vậy mà cũng không nghe rõ” “Mất dạy riết
quen thói. Hôm nào rồi tao sẽ cho mày trận nhớ đời để chừa cái thói xấc
xược, hỗn láo với người lớn. Ba má đã đánh không biết bao nhiêu lần vì cái
tật đó mà mày đâu có sợ.” “Kệ, không mắc mớ gì tới ai. Tôi mất dạy,
chắc gì bà có dạy”. - Nói xong nhìn chị hai cười đểu như một hành động
thách thức. Thu lao vào định đánh cho hả cơn tức giận. Được sự can ngăn la
rầy từ má. “Ngon nhào vô”. - Vẫn là luận điệu của kẻ ngông nghênh. Vì
thừa biết làm vậy cho có lệ chứ chưa bao giờ chị hai thực hành như đã nói.
Dù đánh cũng chỉ là hình thức tượng trưng không mấy đáng kể, y hệt gãi
ngứa. Thế nhưng lần nào Thu sừng sộ, thiếu kiềm chế Tâm đều chạy thoát
rất nhanh, dù biết đánh như không đánh. Má ngăn chặn cuộc ẩu đả của hai
chị em sắp sửa sẽ diễn ra. “Đêm hôm khuya khoắt giữ trật tự cho người
khác ngủ. Ba mày mà giật mình bị phá rối giấc ngủ thì ông đánh cả hai chứ
không phải là một đâu. Hễ xúm lại là rùng beng y như cái chợ. Tụi bây chị em
ruột mà sao như kẻ thù từ kiếp nào dai dẳng chưa trả xong. Thằng này vô trong,
không được đứng đây cãi cùn hơn thua! Thu cũng tắt tivi ngủ luôn đi con”.
Cô ấm ức quay sang nói cùng má. “Má thấy chưa? Nó trả treo chẳng biết bao
nhiêu lần. Thằng này mà giờ không dạy dỗ kỹ càng lớn lên nó hư cho mà
thấy”. Bà vung cây về phía Tâm, nó nhanh nhẹn lùi lại né kịp, đồng thời
vội vã rời khỏi căn nhà trên. Gương mặt khoái chí nghênh nghênh. Cái môi đưa
ra như chê bai lẫn thách thức sau cái nhìn cuối cùng dành cho người chị hai. Hớn
hở bước vào phòng tự cười thầm, vì đã thoát khỏi trận đòn một cách đầy
ngoạn mục, giờ thì thong thả mà nệm ấm chăn êm đánh một giấc tới sáng. Khi
mối đe dọa đã không còn, người ta sẽ ung dung tự tại hưởng thụ niềm tự
do, trút bỏ mọi gánh nặng. Lúc trên đường về Tâm còn tìm đủ mọi biện pháp
nhằm đối phó với tình huống tồi tệ sắp sửa sẽ xảy ra. Bị đòn ít nhất
có thể 5 cây từ má, nhưng không ngờ nhờ có cuộc cãi vã giữa hai chị em mà
lại bình yên vô sự. Nếu chẳng phải do đêm hôm khuya khoắt thì đã bị lãnh
đủ những đường roi vun vút liên tiếp quất vào người tứ tung. Nếu vậy thì
cũng đành chấp nhận mọi sự trừng phạt cho hành vi uống rượu trước giờ
chưa từng chứ biết làm gì hơn. Có lẽ má hiểu giấc ngủ đối với ba rất quan
trọng, vì mỗi sớm đều thức dậy đi làm nên chẳng làm lớn chuyện. Cũng không
hẳn là đúng, nhiều khi ba lỡ giấc trở nên cáu gắt, lại biết thêm chuyện còn
nhỏ đã tụ tập rượu chè thì đánh càng dữ hơn. Tóm lại đêm nay Tâm rất may
mắn bước qua ải trót lọt. Nhà chỉ có hai chị em, gần nhau là cãi vã thua
đủ, gây gổ to tiếng đủ thứ chuyện. Tâm cậy mình là con út trong nhà, ăn nói,
hành xử chẳng kiêng nể chị hai. Thu chẳng thể nào chấp nhận xem đó là điều
vô giáo dục cần phải dạy bảo để phân biệt rõ vị trí giữa chị và em. Chị
có quyền uốn nắn sửa đổi mỗi lần em sai quấy, làm em bắt buộc phải nghe
theo lời dạy bảo để làm người đúng đắn chuẩn mực hơn. Chị hai cũng giống
như cha mẹ to lớn trong gia đình. Đó cũng là câu nói ba má hay mắng la mỗi khi nó
mắc lỗi. Ăn nói vô lễ, không kính trọng người lớn, đặc biệt là chị hai
của mình. Tưởng đâu như thế sẽ thay đổi được cái tính của thằng bé mới
lớn đủ để nhận thức hiểu chuyện, nhưng không ngờ lại càng hỗn xược,
ghét chị hai nhiều hơn. Mọi bí mật riêng tư của Tâm đang giấu nhẹm bao nhiêu,
đều bị chị hai khui ra hết bấy nhiêu. Rồi còn châm chọc kích động đủ thứ
chuyện để em phải ăn đòn. Ghét chị hai vô cùng! Thường kỳ đà cản mũi, dù
bất cứ chuyện gì nhỏ hay to. Muốn chị phải đi ra khỏi nhà càng sớm càng
tốt, để về sau không còn ai chống đối, vạch trần, bàn ra, làm mục đích
không đạt được như mong muốn đã kỳ công dàn dựng. Nhiều lần hai chị em
giận nhau đến mấy ngày không nói chuyện! Chẳng muốn nhìn mặt. Cứ mỗi lần
như vậy chị hai đều là người chủ động làm hòa. Thu nghĩ đơn giản làm chị
thì phải nhường nhịn yêu thương, em sai vì chưa đủ lớn để hiểu, huống gì
tuổi ấy đang rất hiếu động, nhạy cảm, chút chuyện nhỏ cũng hóa ra thành to.
Tuy có thường nói vào, mách lại để ba má đánh em, mỗi lần đánh một đến hai
cây thì cô lại tới ngăn cản, kèm với câu “đánh bấy nhiêu đó thôi, nó biết
sợ rồi”. Điều ấy khiến Tâm không những chẳng biết ơn mà lại càng căm
phẫn nhiều hơn, thành ra giận hờn, từ mặt. Thế là cô tìm đủ mọi cách
giảng hòa. Em thì không bao giờ chủ động mặc dù là người sai, bản tính ngang
bướng thì đừng hòng mà chịu xuống nước hay nhường nhịn bất cứ vấn đề
nào. Tâm như ông trời con trong căn nhà. Ngày nào chị nấu thức ăn hơi mặn,
hoặc lạt chẳng hợp với khẩu vị là chê bai thậm tệ. Chẳng có gì khiến cậu
cả vừa ý hoặc buông một câu khen ngợi dù chỉ là miễn cưỡng qua loa. Không
vừa lòng những gì chị hai làm, nhưng lại chẳng thèm động tay chân gì tới dù
bất kể việc nào. Không tìm lý do bắt bẻ cái này thì cũng tìm cái khác, phải
tìm ra cho ra. Có chuyện mới bắt đầu đả kích cho thỏa cái chướng tai gai mắt
hậm hực đã tích tụ bấy lâu. Hai chị em bản chất khác nhau hoàn toàn. Nhiều
lúc bực bội cái chuyện ở đâu ngoài đường đều mang về nhà người đầu
tiên muốn trút giận không ai khác chính chị hai. Chẳng gì rất đỗi bình thường
cũng phải đi gây sự, moi móc những chuyện chẳng đâu để có thêm đề tài, có
như thế mới ăn cơm được ngon. Ba má nói hai chị em khắc khẩu nặng, đối
nghịch tất về cả mọi thứ, giống nước với lửa, như chó và mèo sống cùng
một nhà chẳng có chút tương đồng chỉ toàn là kỵ nhau. Đã như thế mà cứ
thích xúm lại, giãn xa ra được đôi chút rồi cũng đâu vào đấy, tiếp tục
cắn xé chẳng hề biết mỏi mệt! Hình như đó là căn bệnh nghiện mạt sát của
cả chị lẫn em. Sáng sớm Tâm thức dậy, thấy chị đang quét nhà. Còn ấm ức
vì cái vụ tối qua đã châm dầu vào lửa xém chút nữa bị má cho ăn đòn tơi
tả. Nó chắp tay sau lưng đi xung quanh lẩm bẩm. “Giỏi quá ta, chắc chiều nay
bão số một luôn quá”. “Mày đi chỗ khác, ở đây lảm nhảm một lát tao cho
ăn chổi bây giờ”. Tâm vẫn giữ cái giọng cao ngạo đầy mỉa mai lẫn thách
đố. “Trời...trời...sợ quá, nghe muốn xỉu ngang. Thử cái coi! Bày đặc hù
dọa. Nhà chung kia mà! Muốn đứng ở đâu, làm gì là quyền của tôi”. Thấy em
chọc ghẹo nói móc họng. Chị hai bỏ quét nửa chừng đi xuống nhà bếp nhằm
tránh mặt. Nó vẫn đi theo sau lưng nặng nhẹ như cái miệng đã từ lâu chưa
được nói, nay có cơ hội xả ra một lượt cho thoải mái nhẹ nhàng. “Tướng
đi đẹp quá! Nhìn y như con vịt xiêm đang lon ton sau nhà”. Chị bực tức những
câu nói thiếu tôn trọng từ đứa em. Cũng chẳng khi nào nghe lấy một câu nhẹ
nhàng, thấm đẫm tình nghĩa chị em như ba má đã nhiều lần dạy bảo. Những
lần như thế Tâm đều dạ dạ y như ngoan ngoãn lắm, nhưng xong rồi thì đâu lại
vào đấy. “Hồi đó chắc má đẻ nhầm mày”. Nó cười khoái chí với câu
nói chị hai. “Đẻ nhầm bà thì có”. Chị nhắc lại chuyện hồi tối vì má
đã bỏ qua chưa trừng trị cái tội đi chơi quá khuya lại còn mới có bây lớn
mà bày đặt rượu chè với đám bạn choai choai. “Hồi tối sao má không cho mày
vài cây, để chừa cái tật”. “Cho tôi vài cây thì cho bà một nghìn
cây” “Tao nói thiệt, cái nhà này mà có cái bản mặt mày là không một ngày
nào được yên ổn” “Tôi cũng nói thiệt nhà này ngày nào không có bà sẽ yên
ổn ngày đó”. “Chừng nào mà mày ra khỏi là tao mừng ngày đó. Đi chơi luôn
đi đừng về đây nữa”. “Còn ngày nào bà ra khỏi cái nhà này tôi sẽ ăn
mừng linh đình cho coi” Chị hai lắc đầu, nói rõ từng chữ. “Từ nay về sau
quần áo mày thì tự mà giặt lấy. Tao không làm mọi cho mày hoài đâu”. “Tôi
đâu có kêu, không nài nỉ van xin, do bà tự nguyện chẳng ai mượn, cũng không ai
nhờ”. “Mày nhớ nói câu đó nghe chưa? Từ nay về sau tao không làm bất cứ
cái gì cho mày! Lớn cái đầu rồi mà”. “Ừ tôi nhớ. Rồi sao? Bày đặt cà
chớn hả”. Thu quay lưng đi vô phòng đôi co với đứa em chỉ thêm mệt. Nó
chẳng biết điều, thậm chí còn không tôn trọng người chị. Có một thằng em
mà chẳng ra thể thống nào, mách lại ba má cho nó ăn đòn thì cũng thấy đau
đớn tội nghiệp, thôi cứ kệ, tranh cãi phân minh để làm gì. Thu hơn Tâm tới
tận mười tuổi, nhưng chưa bao giờ nó xưng “em gọi chị”. Chỉ có “tôi và
bà”. Ba má rầy la rất nhiều về cách nói chuyện ứng xử, nhưng hoàn toàn không
thay đổi, cũng một phần do thói quen mà ra. Tâm cho rằng bất cứ cái chuyện gì
thuộc về cá nhân Thu cũng xen vào phá đám, nhất là những vụ đi chơi hoặc xin
tiền từ ba má. Giá như chị hai không có bản tính bao đồng đừng làm rào cản,
cứ nói vào cho suông thì cách ứng xử của đứa em sẽ khác đi rất nhiều. Nhưng
khổ nỗi cứ thấy bất hợp lý là chị hai lên tiếng thẳng thừng vạch trần
ngay. Nhà có duy nhất mỗi cái tivi. Đứa thích coi đài này, đứa ưa kênh kia. Hai
chị em tranh giành dẫn đến cãi cọ nhục mạ như kẻ thù truyền kiếp. Cuối
cùng ba phải dẹp luôn cái tivi để từ nay về sau khỏi phải tranh giành mất công
sinh ra chuyện. Ba mắng cả hai đứa: “thằng nhỏ thì mất dạy vô lễ, mà con
chị cũng không xong, ai lại đi tranh giành với em bao giờ, lớn hết rồi tụi bây
không sợ người ngoài nhìn vào họ cười sao?. Không biết hòa thuận thương yêu
thì từ nay về sau khỏi tivi truyền hình gì hết”. Nhiều lần ba má la mắng, có
cả bị đánh cũng chỉ tại cái miệng của chị hai mà ra. Ước gì chị đừng bao
giờ có mặt trong căn nhà này mọi chuyện sẽ êm đềm, trật tự một cách rất
bình lặng. Thu đã hai mươi ba tuổi, vào năm đại học có quan hệ tình cảm với
một chàng trai trên huyện cho tới thời điểm này. Bây giờ họ tới dạm hỏi,
cũng đã đến lúc chị phải đi lấy chồng, gia đình đã bàn tính rất nhiều về
chuyện hôn nhân đại sự trong mấy ngày gần đây. Nghe xong Tâm thở phào nhẹ
nhõm tự cười một mình, vì biết sẽ không còn ai ngăn đường cản lối, đối
nghịch các thứ. Nó vui như lễ hội, chắc chắn sẽ ăn mừng thật như lời tuyên
bố trong những lần cãi nhau. Thế mà tới lúc đám cưới chị hai. Dù biết đó
là ngày vui hỷ sự của gia đình, nhưng sao thấy trong bụng cứ ngổn ngang buồn
thăm thẳm! Một nỗi niềm rất khó tả, chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời
trước đây. Khi đưa cô dâu về nhà chồng! Nó đứng len lén sau cánh cửa nhìn
chị hai thật lâu, tự nhiên hai hàng nước mắt bỗng giàn giụa tuôn ra. Vốn là
người có tính sĩ diện cao, tỏ ra mạnh mẽ, lì lợm có tiếng trong xóm, đánh
nhau với biết bao nhiêu thằng có luôn cả đổ máu, mà chẳng có giọt nước mắt
nào rơi xuống. Vậy mà hôm nay đứng khóc như một đứa trẻ mít ướt quá xấu
hổ giữa quan viên hai họ. Thấy chị hai cười rất gượng gạo, tuy không chảy
nước mắt, nhưng đã đỏ hoe mà chạnh lòng xót thương, cũng chẳng hiểu là tại
vì sao. Trước đó anh rể hay xuống nhà chơi, Tâm thường đốc thúc “Tôi muốn
được ăn đám cưới lắm, nhanh đi, càng sớm càng tốt! Cưới vợ là phải liền
tay để có cháu bồng với người ta! Má nói vậy”. Anh rể chỉ cười xoa đầu
khẽ khàng «Cũng sắp rồi ông tướng! Anh làm chú rể không nôn mà em lại nôn
hơn cả anh». Chẳng có má nào mà nói như thế, chỉ là nghe loáng thoáng bà trò
chuyện với hàng xóm về đề tài chị Duyên với anh Hải sắp lấy nhau, nên
mượn chuyện này bẻ lái sang chị hai. Mục đích để chị rời khỏi nhà càng
sớm càng tốt. Sao bây giờ quá đối lập, không muốn chị đi lấy chồng! Ôi
thật khó hiểu cái thằng này. Thấy đứa con trai lì lợm như ngày nào nay nó
khóc vì thương chị. Má chẳng cầm lòng được rưng rưng mà khóc theo. Thu trông ra
ngoài bắt gặp nghe nức nở nghẹn ngào! Cô vội vàng đi tới bỗng nhiên nó dang
tay ôm chị hai vào lòng. Đây là cái ôm vốn dĩ chưa từng có xảy ra giữa hai
chị em ruột sống chung một mái nhà. Chỉ có trong hồi ức bé thơ, lúc mới đi
biết đi chập chững, chị vỗ về nâng niu, bế bồng đi khắp làng khắp xóm.
Dần dần tới lớn khôn chẳng còn cái ôm nào tha thiết như ngày xưa thân ái.
Chị hai lấy tay lau nước mắt cho em, mắt chị cũng thấm đẫm từ bao giờ. Nó
gục mặt che giấu, không dám đối diện, cũng chẳng nói lời nào. Mới hôm nọ
còn mạnh dạn tuyên bố nếu chị hai ra khỏi nhà sẽ ăn mừng thật linh đình
hoành tráng! nhưng nay câu nói ấy bị đảo ngược. Không muốn chị hai phải xa
rời, như hồi nào nhà có chị có em như keo dính bên nhau! Giờ thì lặng lẽ buồn
tênh trong vòng tay của chị. Ba đi tới an ủi mấy mẹ con: “Chị hai lấy chồng
thì phải vui chứ sao lại khóc. Đàn ông con trai đừng làm trò hề mất mặt lắm.
Con Thu cả bà nữa! Đi lấy chồng chứ có phải ra chiến trường đánh giặc đâu
mà người nào người nấy nhõng nhẽo như em bé xa mẹ. Đừng khóc nữa, người ta
cười cho”. Nói thì nói vậy nhưng ba cũng buồn không kém! Vì nhà chỉ có một
đứa con gái duy nhất, lại phải đi lấy chồng ở trên tận huyện xa, chắc lâu
lâu mới có dịp để trở về thăm nhà. Tâm im thin thít miệng cố gượng cười,
đôi khi quay mặt hướng khác để giấu niềm xúc động đang lên tới cao trào.
Chị hai nắm lấy tay mà dặn dò đôi câu: “Út nhớ ngoan! Phải học cho thật
giỏi! Nghe lời ba má, đừng đi chơi quá nhiều! Chị hai sẽ không còn ở nhà như
lúc trước...” Chị hai chưa nói hết câu nó đã cúi mặt rồi quay lưng đi như
không muốn nghe những lời mang tính chất chia xa đầy buồn bã với người đi kẻ
ở. Chị hai trở vô trong nhà! Tâm còn đứng bên hàng râm bụt nhìn theo dáng chị
vừa khuất sau một tấm rèm, giữa đông đảo người xung quanh. Họ đàng gái
lên xe chuẩn bị ra về. Nó còn do dự chẳng muốn đi, ở lại phút nào hay phút
đó. Đưa ra đủ thứ các lý do, mục đích muốn được gần chị hai thêm chốc
lát, rồi mai này chị em xa cách nhau, chị ở lại nhà chồng, em ra về trong quạnh
hiu trống trải. Đêm ấy Tâm không ngủ. Cứ chắp tay đi tới lui, nhìn căn phòng
của chị hai giờ vắng tanh trống rỗng. Có một nỗi buồn nào đó rất lặng lẽ
chợt ùa về trong đôi mắt thơ ngây. Chỉ mới đó thôi, thế mà giờ thấy nhớ
chị hai rất nhiều. Dù sao cũng là chị em ruột, đã trải qua những khoảng trời
tuổi thơ thật êm ái tươi đẹp trong chính căn nhà mình. Đối nghịch khắc khẩu
thế nào vẫn chung một dòng máu, đó là chân lý đời người nghìn năm chẳng thay
đổi. Vắng chị rồi thấy quạnh quẽ buồn tênh. Từ nay thiếu bóng chị, cũng
đồng nghĩa sẽ chẳng còn ai chống đối, khỏi bực bội rồi dẫn tới cãi cọ
ầm trời. Được tự do thỏa thích làm những điều mình muốn! Biết vậy nhưng
sao thấy bụng đang chứa đựng một nỗi buồn miên man. Nó nhớ lại thời gian
chị hai còn ở đây. Nhà cửa, cơm nước, tất cả mọi thứ một tay chị chu
toàn. Tuy lúc tức giận hay nói sẽ không nữa vì em đã lớn, nhưng chưa bao giờ
để em tự tay giặt bất cứ bộ đồ nào. Những lần bị sốt miên man, chị
thức trắng đêm để chăm lo săn sóc, hết nấu lá xông rồi lại đi nấu cháo.
Thường ướm tay lên trán nhằm kiểm tra diễn biến của nóng sốt thế nào. Khi
đi chơi quá giờ chị hai không ngủ trước! Chờ em về mới yên tâm mà nằm. Dù
biết em đã lớn thực sự mọi chuyện đều có thể tự túc không cần phải lo
lắng như hồi còn bé nhỏ! Thế mà vẫn xem em còn quá thơ dại. Nhớ hồi xa lắc
năm tiểu học, chân bị gãy do nghịch ngợm đá bóng. Cõng em từ nhà đến
trường rồi từ trường về nhà! Cứ như thế đến suốt thời gian dài chị đỡ
đần chăm sóc. Nhớ lại hai hàng nước mắt chảy dài xuống cổ áo. Đêm nay lần
đầu tiên chị xa nhà, chưa bao giờ thấy im ắng não nề như màn đêm ngoài kia.
Trước đó học đại cũng thường xuyên trở về ngày cuối tuần bên gia đình
thân yêu. Nó biết từ nay sẽ chẳng được như thế. Xa quá, có lẽ lâu lắm chị
mới về thăm nhà trong thời gian ngắn ngủi rồi tiếp tục ra đi. Từ đó cứ
nhìn phía trước sân, mỗi lần thấy có người con gái nào tướng tá hao hao đi
ngang qua đầu ngõ! Nó tức tốc chạy ra mừng rỡ vì cứ tưởng chị hai đã trở
về. Truyện ngắn của Quang Nguyễn
Mọi Đăng Tải Tự Động Biến Mất Trong 330 Ngày