Sau 360 ngày, những gì đăng lên đây sẽ tự động biến mất.

Gallery
Upload Photo & Post Posting List Tìm Bài Viết Đăng Bài mà Không Cần Đăng Kí Tên
???????????? ÔNG NỘI! ???????????? Story #: 266
                    Tự dưng lại nhớ về Ông Nội! Cũng phải thôi. Mới vừa giỗ
Ông xong, mà hôm ấy tôi lại đang lận đận ở Sài Gòn lo đau lo bệnh. Nhất là
Ông mất vào cái tuổi mà hiện nay tôi vẫn còn trên dương thế để tưởng nhớ
về Ông! Ngày xưa ấy, nhà mình là một nếp nhà vách đất, lợp
lá dừa, khá rộng, đủ để cả gia đình 3 thế hệ tá túc và làm ăn. Ông sống
riêng biệt trong một căn phòng chỉ đủ để chiếc giường khá rộng, ba má con
được riêng một phòng, còn lại là giường, phản, võng... đủ để bà Nội, các
cô, chú và cả người giúp việc ngủ nghỉ, làm lụng. Phòng của Ông chỉ mỗi
Ông ở và bà Nội còn ra vào chứ tuyệt nhiên không ai được phép lai vãng! Nghe
người lớn kể lại, Ông rất cưng tôi, (sau này thì không cần ai nói nữa), má
sinh tôi ra, nằm cử tròn tháng đã phải lo làm lụng, vậy là cháu gái nhỏ vừa
tròn tháng đã được Ông bồng bế, được nằm trên chân Ông mà nghe Kiều, nghe
thơ. Giờ bú mớm do Ông quyết định, gọi là má phải vào ngay... Thế là tôi
lớn lên trong "chiếc nôi" của Ông, bằng tất cả sự chăm giấc, yêu thương...
Năm tôi lên 3t, tôi bị đau mắt, nặng lắm, tưởng đã mù, ông vật vã, hối tìm
bác sĩ, mỗi sáng chính Ông vệ sinh mắt tôi bằng chính lưỡi của ông... Cả nhà
như có đám tang... thế rồi cũng tìm được bs giỏi, tôi nạn khỏi tai qua. Ông
càng không rời tôi ra nữa... Tôi trở thành một món "bất khả xâm phạm". Ai cũng
chì chiết "nó sẽ hư", nhưng chỉ dám nói chùng mà thôi! Nhớ mỗi
lần ngủ dậy sáng hay trưa bất kể, bên cạnh tôi không đồ chơi cũng quà bánh,
hôm ấy là một trái đu đủ khá lớn, ba tôi lân la nịnh nọt: - Ngon
quá! To quá! Con ăn sao hết, đưa ba cắt hai cho con, con lấy muỗng ăn ngon lắm!
Không cần gọt vỏ, khỏi chờ, lâu… Tôi đồng ý, ông già hớn hở
mang dao ra cắt, cắt xong lại nỉ non: -Nửa này nhiều nè, con ăn;
nửa này ít hơn...cho ba! Tôi lắc đầu! Ba lại: -Hay con
ăn nửa này, nửa này ngon hơn! Lần này không chỉ lắc đầu mà tôi
lắc luôn cả người... Ba vẫn kiên nhẫn: -Thôi, con lựa đi, lấy
cái nào cũng được, còn lại ba ăn! Tôi lại... quầy quẫy, không kiên
nhẫn được nữa... cả hai nửa trái đu đủ bay vèo ra sân... Vậy là, gần như
đồng thời, tôi chuồi người lăn dài ra đất, tiếng khóc thất thanh... Ông chạy
như bay từ trong phòng ra, nhìn thoáng qua, biết ngay mọi chuyện. Một trận giông
tố kinh hồn nổi dậy, ba tôi đi vội ra khỏi nhà để rồi cả ba hôm chỉ đến
tận khuya mới dám mò về! Tôi nghịch, nghịch kinh hồn, chơi với trẻ con
trong xóm, toàn lập trận, trai gái mặc dầu, tôi luôn giành làm thủ lĩnh, cứ ở
trên "nóc nhà" đánh xuống. Ai méc vốn thì kệ, ông không màng mà người tiếp
chuyện hàng xóm thì có bao giờ là ông đâu? Chuyện đến tai, ông nói gọn:
-Cũng phải cho nó chơi chớ"! Kể như tôi được chắp cánh, tôi còn
xúi tụi con trai về bẻ cành bông giấy, phải bẻ nguyên cành, rồi bẻ tất cả
gai... để tôi đội đầu làm "mão" mới ra Nguyên Soái, mới là Chung Vô Diệm tài
phép phi thường! Tụi nó bẻ, không ai thấy, nhưng khi tôi đội lên cha mẹ nó
thấy... vậy là một trận "sóng thần" ập đến, vì đó là con nhà ông Cai
trường... Kể không thể nào hết được chuyện tôi nghịch, chuyện Ông bênh. Tuy
nhiên, Ông vẫn là người dạy dỗ tôi nhiều nhất! Vốn là người "Cửa Khổng
sân Trình" nhưng những bài học ông dạy rất thực tế về đối nhân xử thế mà
cho đến tận ngày hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Tuy ông sống
biệt lập nhưng không phải ông không biết những gì diễn ra xung quanh. Má tôi về
làm dâu, cực lắm! Tối tăm mặt mũi, nghe nói khi thai nghén, lại là con so, thèm
ngủ lắm nhưng không đêm nào ngủ trước 12 giờ, sáng không bao giờ dậy sau 3
giờ! Vậy mà vẫn có lời ra, tiếng vào, có hôm chính má tôi nghe ông nói qua kẽ
răng với bà Nội và cô tôi rằng: -Mẹ con bây vừa vừa, phải phải
một chút, nó làm dâu chỉ ăn có mấy hột cơm thôi! Chỉ từng ấy đã
đủ là nguồn an ủi cho má tôi cam phận làm dâu, làm dâu cho đến khi có cả bầy
...cháu ngoại! Dòng họ Ông không nhiều, chỉ có mỗi người em trai ở
Đà Lạt, gia cảnh khó khăn lại đông con, vợ ông lại không chịu lao động chỉ
đợi ông chú lo toan, gánh vác... Ông không vui vì điều này, mỗi lần ông chú
xuống là anh em lại to tiếng, nhưng khi về thì bà Nội vẫn lo đủ đầy quà
tặng. Có một lần, hai anh em cãi nhau kịch liệt, ông "đuổi thẳng" và đòi cấm
cửa, ông chú khóc lóc, than vãn và quyết định về ngay trong đêm... Tôi thương
ông chú quá, vỏn vẹn có mỗi tờ 100 đồng, ngày ấy là rất lớn, má tôi còn
chưa có được 5đ, tôi mang ra cho ông. Ông không dám cầm, tôi cố nài ép, ông
lại cầm đi "phân bua" cho người lớn biết! Rồi ông cũng nhận! Chiều xuống,
tôi nghe Ông gọi bà Nội vào, căn dặn: -Tui là tui không ưa đàn
bà mà lười nhát, ỷ lại chồng con, chứ tụi nó cũng khổ. Phải như vậy nó
mới lo, để ỷ lại không được, một bầy con chớ phải 1-2 đứa mình nuôi luôn
cũng được. Bà coi cái gì cho được thì cho nhiều chút, lần này chắc lâu lắm
nó mới xuống! Ngày hôm sau, Ông gọi tôi vào, hỏi cái chuyện: "Dám
cầm cả 100đ đi cho", tôi cũng thật lòng mà nói: -Tại con thấy
Ông Nội chữi dữ quá, ông Chú khóc dữ quá, còn nói "Tại tui nghèo nên chịu
nhục và thề sau này có chết cũng không xuống xin gì nữa" nên con cho!
Ông hỏi tiếp: - Vậy ông ác? Tôi cũng thật lòng
nói: -Dạ, lúc đó, con nghĩ ông ác, mà giờ con không thích ông
chú nữa! -Sao vậy? - Con biết ông chỉ la mà không
ghét ông chú, con nghe ông dặn bà nội cho đồ thật nhiều mà khi về ông chú vẫn
còn....! Ông im lặng! Lúc lâu sau ông nói: -Việc
đúng, cần làm thì làm, không cần ai biết, không cần ai mang ơn. Kệ ông chú con.
Rồi ông cũng sẽ xuống thôi! Anh em không bỏ nhau được! Con học
được ở Ông từ ngày ấy “anh em không bỏ nhau được”! Ông từ từ nói
thêm: -Một trăm đồng của con, từ từ con sẽ có, nhưng không
phải ngay bây giờ, không khéo quen tật đụng đâu rút tiền ra cho đó cũng không
phải là tốt. Thế rồi từ đó, tôi thường được ông cho tiền, những đồng
tiền mới, mà giờ tôi vẫn còn giữ cho dù nó rất có giá trị nhưng tôi kiên
quyết không xài, không đổi, nó theo tôi suốt cả tuổi thơ của mình...
Năm tôi lên 10t, sau cơn bạo bệnh ,ông qua đời. Tôi sốc nặng! Bao nhiêu dự
tính, bao điều hứa hẹn của hai ông cháu tan theo mây khói... Ông là chỗ dựa tinh
thần, là điểm tựa tình cảm. Ông mất rồi, tôi không thể hoà nhập vào thế
giới "của mọi người", ăn cùng mâm với ông, ông không cho ăn nhanh mà phải từ
tốn ; đi, ông không cho đi nhanh, phải khoan thai, nằm ngồi... đều phải có ý
tứ. Giờ xuống "dưới nhà" tất cả phải thật nhanh... không bữa cơm nào mà tôi
không khóc! Cũng may, trước lúc nhắm mắt, lời trăn trối sau cùng của Ông không
gì cả, chỉ là: -Tao chết rồi, đứa nào đánh con Lý và thằng
Đông là đánh tao! (Đông là cậu em con nhà chú, ông bảo lớn nó khổ nên phải
thương bù, còn tôi thì... không có lý do). Thế là, dù Ông không còn nữa, tôi
vẫn là vật "bất khả xâm phạm”, sau này tôi thường đùa: ông đã kịp cho hai
chị em “Kim Bài miễn đòn”. Dẫu đã lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ
mãi những ngày ông nằm bệnh, nhớ và nuối tiếc mãi. Ngày ấy và mãi đến sau
này, không ai nói là ông bị bệnh gì? Chỉ biết dù thương tôi lắm, ông vẫn
không cho đến bên ông, mỗi khi tôi cố tình đi ngang qua ông luôn nhìn tôi, nhìn
chăm chăm cho đến khi tôi khuất bóng... Ánh nhìn của ông chứa chan xúc cảm, đôi
mắt to tròn càng thăm thẳm... Giờ, trong ánh hoàng hôn của tuổi già, tôi mới
hiểu được "Đó là ánh mắt của niềm lưu luyến, của thương yêu, của cả sự
cô đơn trong lần ra đi mãi mãi"! Ông thật sự cô đơn, rất cô đơn. Ông luôn
sống khép kín, lòng vị tha, bao dung của ông, không ai là người biết mà mọi
người chỉ thấy ở ông sự hà khắc, hà khắc... vì mọi người! Có ai hiểu
đạo lý này ở ông đâu? Lòng trắc ẩn theo ông đi xuống mồ! Giờ, có những
ngày tôi thật sự mệt mỏi, vì cuộc đời, vì đau ốm, vì bị tổn thương...
tôi nhớ Ông quá, thương Ông quá! Nếu thật sự có kiếp tái sinh, người con mong
được gặp lại chắc chắn là Ông, Ông à!
Thai Ly. * Những tờ giấy bạc tôi vẫn giữ từ ngày
ấy đến nay.
Mọi Đăng Tải Tự Động Biến Mất Trong 330 Ngày