Q u A C ơ N M ê Story #: 472
Tôi về quê, mùa xuân còn quanh đây. Mai cúc trước mỗi hiên sân còn khoe sắc lá. Tâm trạng của người trở lại với quê nhà, trong tôi, chừng có điều gì khiến lòng băn khoăn, đa đoan không ngừng nghỉ!
Có phải, tôi đang tự hỏi với chính mình: ở tuổi bảy mươi, với những năm cuối đời, còn bao lần - về, để được thấy căn nhà, một biểu tượng của quê hương, trước khi không còn nữa?
Tôi đang đi lại trên những con đường thân quen dẫu đã đổi màu, vội vàng thay sắc. Nhưng vẫn có thể dẫn dắt tôi về, để nhìn lại lần cuối cùng đến một nơi - mà nơi ấy, có một thời là chỗ nằm. Là nơi ăn chốn ở.
Tôi đang đối mặt với căn nhà, cùng những buồn phiền, lo toan: trong nỗi lòng - bỏ thì tiếc thương; vương thì nặng nề, ách tắc!
Cảm nhận đầu tiên là đang về lại với quá khứ, của kỷ niệm tràn ngập vây quanh, có khoảng sân khiêm nhường, gói ghém căn nhà, mà tôi đã cố ghìm giữ hơn mấy mươi năm, kể từ lúc xa quê. Nơi đó không chỉ là một địa điểm vật lý mà còn là cảm giác thuộc về, là những hình ảnh có mùi vị âm thanh, phát ra từ sự chân chất, đơn thuần.
Từ thuở người và đất còn hồn nhiên, chưa trở mình và lòng thế nhân chưa tham lam, biến động.
Nơi một thuở, bên góc nhà có chiếc giường tre, nằm nghe tiếng gọi con về của các thím. Có hơi gió nồm thoảng mùi lá chè từ nhà hàng xóm hắt lên. Nghe được cả tiếng khò khè, khàn đục của Lát, tên của con chó già nua, chờ tuổi hoàng hôn lặn chìm. Đợi ngày nằm xuống.
Nơi có thể nghe, qua những bụi tre sau nhà bà Năm Chí, tiếng lá xạc xào vào mỗi trưa hè, cùng sự hoà quyện của mùa thơm cỏ may ngây dại, thêm rỡ ràng phát ra từ cây ổi Xá Lị nằm chễnh chệ giữa hiên sân nhà bên. Là niềm hãnh diện đầy ngập những quả chín xanh tươi khi đến mùa cây trái. Và hoa quả có xum xuê trái mùa đến cách nào; có thèm đến cách mấy cũng phải cúi mặt làm ngơ, bởi sự ghẻ lạnh hững hờ của họ hàng bên sân, dẫu liên quan dòng dõi ba đời - mệnh danh là nhà Nội.
Kế nhà Nội, là con đường kiệt gồm những gia đình từ chú Ba Tạo có giếng nước ngọt, ông Trưởng Bồi bán kẹo kéo, bà Mân xôi chè, ông phó Mai làm nghề giấy mã, bà Năm Trái hay xẻ mít bán mỗi chiều, đến bà bốn Thẹn, cô Hoà, bất như ý thường xuyên, mắng chửi con không ngừng, âm vang như cỗ máy.
Bước qua đường kiệt là nhà bà Sáu Lộc chuyên bán mắm dưa, độc đáo với mùi cá cơm ngâm với mắm ủ, rặc ròng! Chứa đựng qua tháng ngày, trong những hũ đất nung, chất quanh sân nhà. Để mãi đến nhiều hôm gắt nắng hè, mùi cá ươn võ vàng bay quanh khắp xóm. Khó mà quên được mùi mắm cái thum thủm ấy vẫn còn lãng đãng vây quanh, trong ký ức. Hơi hám nồng nàn như giao tình vội vã qua đêm. Giao hợp.
Xen lẫn phía trước, là những người hàng xóm thân quen. Từ ông Ký bán bò có người con trai mang biệt tài chửi lộn, danh vang xa đến chợ cá Hội An.
Kế đến bà Chín Thôi, người can đảm, có lòng cứu anh tôi thoát chết vào một đêm, bằng cách - dùng đòn gánh tre dựng ngoài hiên, hất bàn tay của anh tôi ra, trong lúc đang giãy giụa vì ngón tay bị chạm vào dòng điện nhà cao thế, gắn kết từ nhà máy đèn của thời Pháp thuộc, có sức tải trên 220kV.
Và trước mặt, bên kia đường là những tiếng thét đánh con, kinh hoàng, phát ra từ nhà ông Phán Bụi.
Để làm sao quên, khuôn mặt nhợt nhạt của Tho, người anh hàng xóm, rời khỏi cuộc đời lạnh lùng ở tuổi chưa đầy 15, 16 vì bị hành hạ tàn bạo của người cha, người anh, đánh không chút nương tay! Và Thắng, người em của những ngày thơ, thân quen kéo dài mãi đến khi tôi xa quê. Mà mỗi bận về, em có cái nhìn khát thèm, ngong ngóng chờ sang, mong có chút gì hâm hẩm. Nhưng quá ngắn, không đủ cho em. Khi đời dừng lại một hôm, nên cũng đã không còn. Nghe nói lại, Thắng ra khỏi đời này trong một đêm tuý tửu. Xác được nhìn thấy qua sớm mai, co quắp trước con đường đi qua Miếu Ông Cọp, nằm trong con xóm cũ mèm vẫn còn mang tên Xóm Mới!
Nơi đó, vào mỗi sẫm chiều có những người cha, người mẹ trở về trắng tay, sau khi không còn gì qua những sòng bài xóc đĩa. Thân dừng lại bên những quán hũ hèm cho mua chịu, nốc đôi cốc đế hầu quên nỗi thua lỗ ê chề. Thấm đến ngà say, la hét khua vang, lấn áp nỗi cồn cào của đàn con ngóng trông - sợ hãi tội tình, cố quay mặt đi vì bếp lạnh. Chưa nói đến những đòn roi trút giận, phũ phàng trước khi trời nhá nhem, chạng vạng.
Nhưng rồi có thiếp cách nào và đêm có dài đến bao lâu cũng phải đón nhận những sáng mai, cuống quít mùi hành phi quyện đến não nề của gánh xôi bà Ba Bứa bên đường. Cấu cào những giấc ngủ trẻ thơ đói mèm đến muối ghèn còn bám quanh mắt qua đêm. Chợt trở giấc nhìn sang, đối diện với thòm thèm. Chồm hổm ngồi chờ. Không biết chờ ai? Đến khi nào, ai biết?
Nơi ấy là những cuộc đời bao gồm những gia đình chứa chan thân phận. Trong đó có chúng tôi, với tâm thức, được bao gồm cả một tổng thể nhục vinh. Ôm bao nỗi nhọc nhằn, hờn giận đắng cay - cùng phải đành chấp nhận: đó là quê hương yêu dấu.
Là nơi chốn, cuốn quyện giữa đất và người. Là sự hoà hợp thành tiếng gọi quê hương. Một quê hương đã cột buộc với những giáo điều như khuôn vàng thước ngọc. Ẩn chứa không biết bao nhiêu là định kiến, để trở thành những chân lý do người tự cột buộc, đặt ra: nào là giỗ quãy, nhà thờ, tổ tiên ông bà hương án!
Nhưng biết không? Bên chân lý có những điều nghịch lý, mà đôi khi những tưởng là vô lý. Bởi lẽ trong đó, đạo lý là những gì rất thật nằm ngay trong tầm với. Tìm chi xa vời! Nói chi cho lắm!
Suốt một chặng đời được bảo bọc dưỡng nuôi sao không sống bằng nghĩa tình với anh em, cha mẹ, ông bà. Đáng nói là lúc đang cần nhau khi người còn gần gũi bên mình!
Sao phải đợi đến lúc người đã qua đời, mới bày biện, trình diễn khoe khoang. Phô bày những điều kệch cỡm. Chẳng hạn, cho thiên hạ biết hôm nay là ngày cúng niệm! Nghi ngút khói hương, chưng bày thịt thà hoa quả, cho ai ăn? Hay là khoe mẽ. Rồi bảo đây là giang sơn của người yêu thương quá cố của mình! Vênh váo, ta sống vì đạo lý, có dòng họ nghĩa tình.
Thật buồn cười thay khi tìm thấy sự trơ tráo của lớp vỏ màu mè, bọc lấy những gì giả tạo.
Vì thế, tôi quyết định!
Một quyết định rất đau lòng là chấp nhận, đồng ý đập lấy căn nhà, khi biết ở đó không còn thể nào giữ được. Đúng hơn, tôi thật sự muốn “Giải Phóng” để thoát khỏi những định kiến - những ràng buộc tinh thần, cảm xúc, giả nhân giả nghĩa.
Tôi đứng lặng nhìn màu gạch vỡ, đổ xuống của căn nhà. Mang cảm tưởng như những vết thương rỉ máu khốn cùng. Đau xót nhìn mảng tường vôi nằm xuống qua đêm. Căn nhà đã được san bằng, theo về với đất. Trong tôi, cảm xúc lẫn lộn giữa thương tâm và tiếc nuối vô vàn. Nhưng cùng lúc lại bằng lòng cho sự an nghỉ của một linh hồn đã được dựng lên, thoi thóp. Chìm nổi với đời sau 70 năm.
Tôi đang thấy mình không còn bị ràng buộc với những hệ lụy của những giáo điều, mà từ lâu những tưởng là đạo lý cao siêu. Bọc kẹo ngọt quanh lời thánh ngữ.
Tôi đang nhìn thấy sự sinh tồn và huỷ diệt; sự vay trả, trả vay. Mới ngộ đến vô cùng thế nào là lẽ sống.
Có lẽ, đi đã lắm nơi trong khoảng đời 40 năm lưu lạc. Nhưng lắm nơi không có nghĩa là khắp nơi. Điều muốn nói, mỗi thành phố, qua mỗi xứ người , tôi tìm thấy dáng dấp giống nhau về một hình ảnh. Hình ảnh đấy, có giá trị thể hình qua cấu trúc của thiên nhiên về màu sắc. Cho dẫu đến với sự phản chiếu của bình minh hay chìm lắng giữa hoàng hôn. Sự hoà nhập không chút nào khác biệt. Cạnh đó, là sự song hành với những điểm tương đồng: không phân biệt thấp hèn, lớn bé, nghèo sang.
Hình ảnh đấy là gì biết không? Đó là những dòng sông chảy quanh đời, có khúc cạn khúc sâu. Bên lỡ bên bồi theo bốn mùa mưa nắng. Là những dòng chảy mang đến hương đồng cỏ nội. Rất thương cảm cho tất cả mọi nỗi lòng. Vì nó có thể nhận dạng lấy chính mình, trong tận cùng đáy sâu, tự soi lấy linh hồn, đừng để quá lăn tăn theo từng con sóng.
Tôi chợt thấy lòng lâng lâng qua phố. Nhận diện rõ ràng hơn về dòng sông đang ấp ủ quê nhà. Trong đó có tôi - đang nhìn thấy hình mình, soi bóng:
…
Về nơi hoàng hôn Mặt Trời đi ngủ
Mặt trăng cũng chìm, lặn ở phương Tây
Ta thấy lăng xăng xôn xao bờ gọi
Như sóng lăn tăn biến động đêm ngày
Ta thấy mây giăng đôi bờ nhật nguyệt
Khi tỏ khi mờ thiên thể kiêu căng
Thái dương rỡ ràng tại sao tìm nắng?
Khuyết cả một đời chẳng thấy vầng trăng
Ta về giữa đêm, trời khuya tĩnh lặng
Chân đá chân xiêu qua mỗi con đường
Thấy chừng xa kia oan khiên hoá kiếp
Tìm được thiên đường giữa chốn mù sương
Qua lại dòng sông soi hình thấy bóng
Cởi trói linh hồn về cõi vô biên
...
Trong nỗi lòng miên man, “Giải Phóng” cho chính mình, của người vừa vượt thoát khỏi rừng già, đang tìm thấy sự tự do trên từng bước chân. Hạnh phúc đến với từng hơi thở. Tôi mang cảm tưởng như người “Qua Cơn Mê” của Trịnh Lâm Ngân, đang bềnh bồng theo mỗi cánh chim. Để có thể cùng với mây ngàn bay đi muôn phương. Lên được chốn trời cao, nhìn xuống thấy bến bờ. Được nhìn thấy những hồn phố thân quen. Những người quá cố, bao gồm anh chị em, cha mẹ, ông bà tổ tiên- được ra khỏi sự bẩn tiện, xấu xa. bần hèn của thế tục.
Tôi sẽ tự vỗ về, xoa dịu với chính mình. Tìm lại những gì rất thật về một nơi. Và nơi ấy - có một ngày tôi sẽ đến:
Sẽ có ngày ta về với núi
Nhìn thấy quê nhà giăng khói lam
Nơi đã chào đời bằng tiếng khóc
Trăm năm rồi cũng phải yên nằm
Sẽ có ngày ta về với suối
Lắng nghe lời gọi của lá cây
Róc rách tiếng lòng qua kẽ đá
Gửi gắm hồn theo mỗi áng mây
Sẽ có ngày ta về với biển
Phó mặc đời theo sóng lênh đênh
Thả linh hồn nổi trôi vô định
Ngã lòng rơi vào cõi mông mênh
Sẽ có ngày ta về với đất
Tìm lại lời ru trong giấc mơ
Hòa lẫn đan xen cùng cát bụi
Vùi trong vô ngã của hoang sơ
Sẽ có một ngày về với mẹ
Thấy anh ngồi trà đạo bên cha
Dưới giàn thiên lý nghe chị hát
Về lại cùng chung một mái nhà
Một ngày nào đó! Rồi sẽ đến
Rồi sẽ yên lòng - hãy ngủ đi
Thu Hoài
Tháng Tư bên đời
|