MỒ CÔI Story #: 501
“Hò ơi, mẹ già như chuối chín cây,
Gió lây mẹ rụng, hò ơi.
Gió lây mẹ rụng, con thời mồ côi.”
Đầu năm 1982, tôi khăn gói quả mướp đến thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi định cư từ Trại Tị Nạn Galang, Nam Dương. Nói như thế cho sang để lấy le (chữ bình dân bây giờ là “nổ”) với những người không biết đời tị nạn, hành lý của tôi chỉ có một bộ “nhất y nhất qưởn” dính da trên người.
Năm sau, tôi trở thành giáo viên bán thời gian (part-time) của Trường Ngôn Ngữ Victoria (Victorian School of Languages) của chính phủ tiểu bang, dạy tiếng Việt trên lý thuyết cho bất cứ cư dân của tiểu bang Victoria muốn học vào mỗi sáng thứ Bảy. Nhưng học sinh trong lớp mười một của tôi, đại đa số là con em của người Việt tị nạn, đã chọn Việt ngữ là một môn thi của Bằng Tốt Nghiệp Phổ Thông (Victorian Certificate of Education - VCE) cho mình. Công việc dạy học là thiện nguyện. Lý do đơn giản thôi thúc tôi tham gia là vì được may mắn thoát khỏi ngục tù cộng sản, tôi mang đầy nhiệt huyết, hăng say muốn đóng góp cho cộng đồng non trẻ, đặc biệt là giới trẻ đang có nguy cơ mai một văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.
Có một nam sinh trong lớp học tạo ấn tượng tốt cho tôi qua những bài luận văn em viết tuy mộc mạc nhưng khẳng khái. Em vừa học giỏi vừa lễ phép, kính thầy yêu bạn. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tôi nghĩ em sẽ thành đạt trong tương lai trên xứ người. Tôi đã không lầm trong nhận xét đó. Năm sau, em cho tôi biết là kết quả thi VCE diểm cao và sẽ theo học y khoa.
Trong suốt mấy mươi năm qua, thỉnh thoảng chúng tôi có dịp gặp gỡ trong các sinh hoạt hội hè đình đám của cộng đồng. Lúc này, em đã trở thành một bác sĩ gia đình “mát tay” tận tâm và uy tín trong cộng đồng. Tuy có hàn huyên thân mật với nhau, nhưng tôi tuyệt đối không có hỏi em về khoảng thời gian sống ở trại tị nạn. Tôi đinh ninh cho rằng em đã vượt biên cùng với gia đình. Hơn nữa, vượt biên là chuyện đời tư cá nhân, nhiều người tị nạn cũ muốn quên cái căn cước đó. Riêng em, tôi biết em sẽ kể tôi cho nghe khi đã đến lúc. Chúng ta hãy cùng nhau gọi em là A để tránh cho em những phiền nảo không cần thiết nếu người ta biết em là ai trong cộng đồng.
Đùng một cái, gần đây một buổi tối A bất ngờ ghé nhà thăm. Em đưa cho tôi xem một tấm hình đã bạc màu, chụp mấy đứa nhỏ vượt biên không cha mẹ ở Barrack 67 của Trại Tị Nạn Galang cùng khoảng thời gian tôi đã tạm trú ở nơi này hơn sáu tháng sau khi ghe vượt biên của tôi bị chìm ngoài biển. Thật là hy hữu! Bây giờ tôi mới biết ra chúng tôi đã ở cùng trại khác barrack cùng một thời gian. “Same time but different channels”. A biết chi tiết đó nhưng không hé răng tiết lộ. Có phải đây là một đức tính cần phải có của người bác sĩ không?
Trại này có hai barrack đặc biệt như thế dành riêng cho những đứa nhỏ côi cút (hay mồ côi?). Ở trại, Cao Ủy gọi là “minors”, mặc dù không hàm chứa đầy đủ ý nghĩa như tiếng Việt “côi cút” cho các đứa nhỏ này. A nâng niu tấm hình như là một bảo vật, hỏi tôi có nhận ra đứa nào trong hình không? Tôi nhìn hình rất kỹ một hồi lâu, rồi dè dặt hỏi:
‘Chẳng lẽ em là một trong những đứa nhỏ ngây thơ trong hình?’
A mắc cở cười bẽn lẽn và gật đầu xác nhận. Chỉ vào một đứa nhỏ mặc quần cụt trắng đứng hàng đầu trong hình, tôi hỏi:
‘Có phải em không?’
Lần này, nở một nụ cười thật tươi, A trả lời:
‘That’s him! The boy in a white pair of shorts (Chính nó! Đứa nhỏ mặc quần cụt trắng)’
Tôi nhắm mắt lại. Môt khung trời cũ hiện về trong trí. Đã hơn bốn mươi bốn năm trôi qua nhưng không nhạt nhòa. Cảm ơn tấm hình của A đã làm tôi nhớ đến một đứa nhỏ “mồ côi” khác của Barrack 123, Khu 5.
A hỏi:
‘Thầy còn nhớ thời đó có hai câu: “Một là con nuôi má; Hai là con nuôi cá.” để diển tả hoàn cảnh của mấy đứa minors không?
Thương sao chữ “thầy” A dành cho tôi suốt bao nhiêu năm tháng! Tôi dạy em có một năm thôi mà. “Nhất tự vi sư”, có phải người đời thường nói thế? Tôi nói:
‘Hai câu đó có nghĩa làm sao hả A?’
‘Có nghĩa là nếu đứa nhỏ đi vượt biên thành công, lớn lên ở nước ngoài nó sẽ có cơ hội nuôi má nó. Còn không thì nó giao thân xác cho cá ăn.’, A nồng nhiệt trả lời.
Thế là tôi cũng đến Trại tị Nạn Galang 1- “Cửa Ngõ Của Tình Người”. Tôi không biết vị trí địa lý của trại trên bản đồ thế giới, nhưng chắc là thuộc Nam Dương và phải xa đảo Kuku là nơi tôi đã tạm trú gần một tháng lắm bởi vì chuyến hải hành chuyển trại kéo dài cả ngày. Lúc này tôi cũng còn ngại đi trên biển dù là bằng tàu sắt lớn. Chuyện chìm ghe hãi Hưng của chiếc ghe tôi vượt biên vẫn còn quá mới mẻ, ám ảnh tâm trí sâu đậm. Nhưng với thân phận người tị nạn vô tổ quốc, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc sắp đặt thế nào mình chịu vậy. Nhớ khi còn ở trong nước, xếp hàng từ sáng tinh mơ, mua được một cái vé leo lên chiếc xe đò, hành khách dồn cứng như cá hộp về thăm nhà ở Gò Công từ Sài Gòn mà xem như quá may mắn như trúng số độc đắc không bằng.
Sau khi thủ tục nhập trại hoàn tất xong xuôi thì trời đã tối thui. Toàn bộ những người cùng ghe, bầu đoàn thê tử lôi thôi lếch thếch, theo ánh sáng của đèn dầu hắt ra từ các căn nhà dọc theo hai bên của con đường mòn, đi lên căn nhà số 123 được chỉ định, tọa lạc trên một đỉnh đồi cao. Đến nơi, căn nhà xây dài hình chữ nhật khoảng trên hai mươi thước bề dài và tám thước bề ngang, bằng ván ép trống không, không phải “mới tinh” vì có những dấu hiệu của người đã ở trước đây, thí dụ như rác rến bừa bãi chẳng hạn. Căn nhà có khoảng hai mươi giường hai tầng bằng cây mỗi bên. Giường đủ rộng cho hai người nằm. Chúng tôi nhanh chóng tự sắp xếp và thỏa thuận với nhau về cái giường nào là “giang sơn” của mình để ngồi nghỉ.
Có một đứa nhỏ đen đúa khoảng năm sáu tuổi, trần trùng trục với cái quần xà lỏn bạc thếch, trông cục mịch và dị họm làm sao! Nó đứng từ xa theo dõi nhất cử nhất động của mọi người. Đàn bà con gái thấy có một xô nước để trong một góc gần đó, vội vàng đổ xô tới, định lấy rửa mặt mũi cho hết muối sau một ngày lênh đênh trên biển. Bình yên rồi thì phải làm đẹp là chuyện tự nhiên của phái đẹp có từ thời ông Adam và bà Eva còn sống chung với nhau trên Vườn Địa Đàng Eden lận. Thằng nhỏ chạy nhanh đến, giơ tay lên ngăn cản, và la lớn như cán bộ cửa hàng mậu dịch quốc doanh khi thấy thiên hạ chen lấn mua môt hủ chao hay một chai nước tương:
‘Trời ơi! Bộ nước chùa sao mà mấy người lấy rửa mặt tự nhiên. Xô nước đó của cậu tui để xài cho hai ngày đó. Khi ổng đi chơi về, thấy hết ráo nước, ổng sẽ chửi tui. Lúc đó, mấy người có đứng ra chịu không?’
Bà con nghe nó nói, cụt hứng, và rút tay lại không dám múc nước. Nhìn nó, tôi cười làm quen:
‘Hết nước thì anh lấy xô đi lấy nước khác cho em. Bọn anh mới tới, đâu biết xô nước này là của em. Em đừng giận, chỉ chổ nào có nước cho mọi người đi lấy.’
‘Nước ở đâu mà đi lấy thêm. Vòi nước bị khóa rồi. Mỗi ngày chỉ có một xô thôi. Cuối tuần không có mở nước. Mấy người có khát thì lấy lon múc uống, nhưng không được rửa mặt. See you tomorrow!’
Nói xong, nó quay đít bỏ đi một nước. Thằng nhỏ hết ý luôn! Tôi nghe nó nói những chữ Anh lùng bùng lỗ tai. Tôi thầm nghĩ “nó còn nhỏ mà đã nói tiếng Anh rào rào. Ước chi tôi được như nó thì sướng biết bao nhiêu!”
Hôm sau, nhớ lời nó nói, tôi hạn chế sử dụng nước đến mức tối đa, khi khát nước tôi mon men đến giường “thằng nhỏ see you tomorrow” xin một ly, giống như tiêu chuẩn khi còn trên ghe vượt biên. Mỗi lần như thế, nó đều vui vẻ cho tôi. Tôi đoán chắc nó thấy mặt tôi hiền, không biết giống ai nên tội nghiêp. Tôi hỏi nó ngọt ngào như đường phèn:
‘Em tên gì?’
‘Giang Tô Ái Quốc.’
Tôi giật mình, tưởng mình nghe lầm. Tên của nó sao mà giống tên của một nhân vật chính trong một vở tuồng cải lương quá vậy. Tôi hỏi lại cho chắc ăn, vẫn với giọng đường phèn giống như hỏi tên và số nhà của một cô gái xinh đẹp tình cờ mới gặp ngoài đường:
‘Em nói lại tên em chầm chậm cho anh nghe.’
‘Có vậy mà chú cũng không nhớ. Giang Tô Ái Quốc. Ba em là Giang văn Nhân và má là Tô thị Cúc. Ba má em còn ở nhà trong chợ Bà Chiểu. Chú có biết chợ Bà Chiểu không?’
Tôi không biết nó mấy tuổi rồi mà thuộc làu tên ba má nó, nói vanh vách. Chắc họ đã dặn nó trước khi vượt biên. Tôi lại mắc cười khi nó xưng là em mà lại kêu tôi bằng chú! Quá nhiều thắc mắc trong đầu, tôi gạn hỏi:
‘Em mấy tuổi rồi? Em đi vượt biên với cậu? Cậu em đi đâu mà anh không thấy trong barrack?’
‘Gần sáu tuổi. Ba má em dẫn em xuống ghe rồi đi đâu mất tiêu. Cậu Hưng không phải là cậu ruột, mà là người cùng xóm. Cậu “ghép phom (form)” với em ở trại Thái Lan để đi Mỹ.’
Tôi lại tò mò không biết “ghép form” là gì mà tại sao phải làm vậy để được đi Mỹ? Tôi nghĩ nếu tôi có hỏi tiếp về việc đó chắc nó cũng không trả lời được. Tốt nhất là tôi gác lại một bên, từ từ tìm hiểu sau trong quy chế tị nạn, dù sao tôi mới tới, còn ở trại này lâu mà. Tôi nhắc lại câu hỏi trước về cậu của nó:
‘Cậu Hưng đi đâu mấy ngày nay mà anh không thấy?’
‘Ổng đi hốt rác buổi sáng rồi vô Galang 2 ở chơi với bạn luôn cho đến thứ Hai mới về lại barrack.’
À thì ra mình đến trại vào tối thứ Bảy và hôm nay là Chúa Nhật. Từ ngày nhảy xuống ghe ở Hải Sơn ra biển, tôi không còn chú ý đến ngày tháng. Hể thấy mặt trời lặn là biết hết một ngày và mặt trời lên là một ngày mới. Tôi muốn hỏi nó có nhớ ba má của nó, nhưng thôi. Không phải tôi sợ gợi lên nỗi buồn trong lòng nó, mà nếu tôi biết, tôi có giúp đở được gì cho nó bớt buồn? Có lẽ đối tượng của câu hỏi của tôi là ba má nó. Tôi chạnh lòng nhớ đến một hình ảnh đã gây cho tôi một cảm xúc mạnh từ những phim thời sự tường thuật các cảnh đau lòng của đồng bào miền Trung di tãn vào tháng Ba 1975 sau khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ vào tay quân đội cộng sản, chiếu hàng ngày trên đài truyền hình Sài Gòn. Hàng trăm ngàn người tị nạn tuyệt vọng đang giành nhau một chỗ trên xe đò, tàu biển, máy bay để đưa họ đến nơi nào đó sâu trong miền Nam cho an toàn. Tại một bến tàu, người và người chen lấn, xô đẩy nhau. Một bà mẹ còn trẻ đang cố gắng đưa đứa con thơ dại của mình bằng cả hai tay cho những người đang đứng trên tàu. Có phải một người trong số đó là cha của đứa trẻ, hay hoàn toàn là người xa lạ? Tại sao cô ta phải chọn giải pháp đoạn trường này, và tương lai của đứa bé sẽ như thế nào? Tôi nghĩ đến Giang Tô Ái Quốc. Giả dụ ba má nó đã cố ý đưa nó xuống ghe một mình, lao đầu vào một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, một sống chín chết như vậy để trở thành “mồ côi” trong các trại tị nạn ngay cả chuyến đi đến bến bờ thành công, lý do nào đã thúc đẩy họ đi đến quyết định đó? Tôi không dám suy nghĩ tiếp. Con người Việt Nam sao mà quá khổ phải có những quyết định đau lòng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt!
Im lặng một lúc, tôi hỏi bâng quơ:
‘Quốc ở đây lâu chưa?’, không biết tại sao tôi bắt đầu gọi nó bằng cái tên cúng cơm đầy cải lương của nó?
‘Gần sáu tháng, chú. Transfer (chuyển trại) từ Thái Lan.’
Lại thêm một chữ tiếng Anh. Theo đà này chẳng mấy chốc là nó quên đứt tiếng Việt.’
‘Quốc học tiếng Anh bên Thái Lan hả?’
‘Đâu tới tuổi đi học chú. Nghe cậu Hưng và bạn cậu nói rồi bắt chước nói theo.’
‘Mỗi lần cậu Hưng đi chơi như vậy, Quốc ở nhà lấy gì ăn?’
‘Tui tự nấu cơm ăn. Bên Thái Lan cũng vậy.’
Tôi cảm thấy đắng ở miệng. Quốc không cỏn được sống với tuổi thơ của nó. Lỗi tại ai?
‘Tối nay chú có muốn đi xuống chợ xem truyền hình chiếu phim Chăn Heo không? Phim đánh võ hay lắm! Tui cho chú mượn đèn pin để xuống đồi thấy đường không bị té. Nhưng chú xài nhín để dành pin. Chú có biết là nếu mình lấy pin đem phơi nắng thì xài lâu được.’, nó hỏi.
Tôi muốn ôm nó vào lòng. Thằng nhỏ côi cút không cha không mẹ mới gặp mà đã sẵn lòng cho tôi mượn vật gia bảo của nó là cây đèn pin. Cuối cùng, tôi cũng ngăn được sự xúc động đang trào dâng của mình, vừa vỗ đầu nó vừa nói:
‘Anh không muốn xem phim đánh nhau. Ngoài đời, trước khi qua đây những con chằn tinh đội lốp người còn muốn ăn tươi nuốt sống anh nữa.’
Tôi nói cốt ý cho tôi nghe để khuây khỏa nỗi lòng, làm sao đầu óc non nớt của nó hiểu được. Nhưng nói xong, tôi lại hối hận. Tôi tìm cách nói khỏa lấp:
‘Anh nói chơi vậy thôi. Hôm nào anh kể cho Quốc nghe truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông có con chằn tinh dữ tợn lắm, chuyên nuốt đầu người ta. Rồi một tối mình cùng đi xuống chợ xem phim đánh võ cho vui. À tại sao phim đó có tên là Chăn Heo? Phim nói tiếng Việt nên Quốc biết?’
‘Đâu có chú. Phim nói tiếng Tàu, có thằng chăn heo mà giỏi võ. Ai độc ác đều bị nó đánh chết hết trơn. Lúc nhỏ, ba má chú có cho chú học võ không?’
Nói xong, Quốc giơ hai tay múa may vài thế võ. Chắc nó học từ phim. Tôi lại cười thay cho câu trả lời. Nhắc lại chuyện học võ sẽ đưa tôi về một quá khứ xa xôi, đau lòng mà tôi muốn quên! Ngày xưa, khi học bậc trung học, tôi có một ông thầy dạy võ. Nói là ông chớ anh còn trẻ. Năm 1973, sau khi thi Tú Tài Một xong, anh vào lính. Tốt nghiệp trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, anh tình nguyện xin về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng Tư 1975, anh hy sinh trong những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến trên đường di tãn từ địa đầu giới tuyến Quãng Trị về cửa biển Thuận An.
Chiều hôm sau, Quốc dẫn tôi đến gặp cậu Hưng của nó đang ngồi trên giường sau khi anh ta đi làm về. Nước da đen sậm, với mái tóc anh dài và râu quai nón tuy không dày nhưng cũng đủ làm cho anh có diện mạo không giống người Việt mấy. Anh trố mắt nhìn tôi, không biết tôi là ai mà muốn gặp anh để làm gì? Quốc nói giọng sợ sệt:
‘Chú Vân ở chung barrack, hổm rày đến xin nước của mình uống đó cậu. Con cho chút đỉnh.’
Tôi cười và đưa tay ra cho anh bắt. Với vẻ ngượng nghịu, anh không vồn vã, chỉ bắt tay cho có lệ. Tôi nói:
‘Tôi từ Kuku qua được hai ngày rồi. Xui quá nhằm cuối tuần họ không có phát nước. Anh có thằng cháu dễ thương hết sức. Nếu không có nó, chắc tôi và mấy người khác trong barrack chịu chết khát quá, chứ biết đâu mà lấy nước uống.’
‘Ừ nó biết nghe lời lắm. Tôi làm cho công ty vệ sinh của Nam Dương, theo xe hốt rác chung quanh trại mỗi buổi sáng trong tuần. Còn nó ở nhà, tôi dặn vo gạo nấu cơm chờ tôi về ăn.’
Ý anh là nhờ có lệnh lạc của anh mà nó “nên người” chứ không phải khôn ngoan, giỏi giắn gì. Thôi cũng được. Tôi không muốn tranh cãi. Dù sao anh cũng đã đùm bọc nó côi cút từ trại tị nạn Thái Lan qua đến đây. Tôi muốn hỏi anh về vụ ghép form với Quốc để đi Mỹ nhưng bụm miệng kịp thời. Biết đâu, đây là chuyện bí mật của hai người. Tò mò quá khi mới quen, người ta không ưa!
Những ngày sau đó, Quốc thường leo lên giường tôi ngồi chơi, cho tôi kể chuyện này nọ. Ở trại tị nạn, ngoài việc chờ đợi được phái đoàn phỏng vấn cho đi định cư, thời giờ của tôi nhàn rỗi vô cùng. Nó vẫn ở trần với chiếc quần xà lỏn bạc màu. Chắc tên nó là Trần Trùng Trục, không phải Giang Tô Ái Quốc. Tôi hỏi:
‘Quốc, áo đâu không mặc?’
‘Cậu Hưng nói mặc dơ không có xà bông giặt, và cất để dành đi định cư cho người ta không khi dễ.’, nó trả lời.
Tôi lặng thinh.
Thời gian qua nhanh. Thắm thoát mà tôi đã ở Galang được vài tháng. Sau bửa cơm chiều mỗi ngày, mấy đứa nhỏ, trong đó có Quốc đều tụ tập trước cửa barrack để nghe tôi kể chuyện cổ tích bên Tàu, bên Tây và bên ta có đủ. Tôi làm tròn phân nửa lời hứa trước đây với Quốc. Còn phân nửa khác là cùng đi xuống chợ vào ban đêm xem phim võ thuật Chăn Heo thì tôi không thể nào thực hiện được. Không phải tôi không thích xem phim đánh nhau. Thành thật mà nói, trước năm 1975 không những tôi thích mà còn ghiền xem những phim loại này của Đài Loan và Hương Cảng. Thị xã Gò Công có một rạp hát duy nhất. Mỗi khi rạp chiếu phim kiếm hiệp hay võ thuật, tôi đều có mặt. Phim kiếm hiệp có đánh kiếm và các loại vũ khí. Các tay kiếm thường là những nhân vật huyền thoại trong thế giới giang hồ. Phim võ thuật gồm nhiều môn võ thường là đánh tay không. Bộ phim võ thuật Nhật Zatoichi đã làm tôi say mê. Phim lấy bối cảnh thời Edo (thường được gọi là thời đại Samurai 1830-40) với nhân vật chính là một kiếm sĩ mù phiêu bạt kỳ hồ khắp nơi. Trên đường giang hồ, Zatoichi ra tay bảo vệ người dân vô tội trước sự áp bức của bọn quyền thế, giàu sang. Kết quả là kiếm sĩ giành được sự tin tưởng, tôn trọng, và trái tim của dân làng hiền lành, chất phát. Ông là "người mù dẫn đường cho người sáng mắt". Atochi là anh Hưng, kim chỉ nam đạo đức của tôi. Sau năm 1975, xã hội đảo điên, bất công đầy dẫy.. Tôi thất vọng khi nhận biết những người như kiếm sĩ mù Zatoichi không có thực, chỉ tồn tại trong phim ảnh. Từ đó, tôi không còn có sự ham thích xem phim kiếm hiệp hay võ thuật nữa. May mắn cho tôi là nghệ thuật thứ bày của chủ nghĩa cộng sản không có sản xuất phim ảnh loại này, nên tôi không cảm thấy thiếu thốn trong đời sống tinh thần.
Một buồi sáng, cậu Hưng của Quốc đi làm về sớm. Gặp tôi đang đứng thơ thẩn trước cửa barrack nhìn mây trôi trên trời. Mặt mày tươi rói, anh hớn hở cho biết là Cao Ủy đã đồng ý cho anh tách form với Quốc. Tôi nhíu mày hỏi anh sự việc này có ý nghĩa thế nào với triển vọng đi định cư của hai cậu cháu. Anh trả lời:
‘Tôi tính già quá non. Ở trại bên Thái Lan, tôi ghép form với Quốc – một đứa bé vị thành niên, cứ tưởng như vậy là sẽ được Mỹ nhân đạo vớt cho đi định cư sớm. Nào ngờ, từ khi Mỹ nhận, hồ sơ của tôi bị “ngâm tôm” bởi vì không có ai bên Mỹ muốn bảo lảnh Quốc vì sợ tốn kém nuôi nấng. Tôi khiếu nại xin tách form với nó biết bao lâu bây giờ họ mới đồng ý. Tôi sẽ được chuyển vào Galang 2 chờ ngày có tên trong danh sách đi Mỹ, chắc không lâu đâu vài tháng là cùng. Còn Quốc thì sẽ dọn vào barrack 12 là nơi mấy đứa nhỏ không cha mẹ ở, chờ hội đoàn từ thiện đâu đó bảo lảnh.’
Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu điều anh mới giải thích, nhưng không có nghĩa là đồng ý với sự sắp xếp của anh cho Quốc. Từ đầu tới đuôi, tội nghiệp đứa nhỏ, nó đâu có ý kiến gì. Ghép hay tách form đều do anh quyết định tùy theo sự suy nghĩ về lợi hại của anh. Tôi hỏi cho có:
‘Quốc có biết chuyện này chưa?’
‘Tôi đâu có cho nó biết. Nó còn nhỏ biết đâu có ích lợi gì cho tôi? Lạng quạng nó đi nói người này người kia tùm lum thì lôi thôi, phiền phức lắm.’
Như sực nhớ điều gì, anh chăm chú nhìn tôi rồi nói:
‘Tướng Vân làm công việc của tôi được. Khi tôi chuyển vào Galang 2, Vân có muốn tôi giới thiệu làm thay tôi không? Công việc nhàn hạ, không cần suy nghĩ, sai đâu đấm đó, mà lương lại cao. Hơn một ngàn rupiah cho mấy tiếng đồng hồ.’
Tôi lắc đầu từ chối. Tôi không biết trong đầu anh, tướng tá phải như thế nào để có thể theo xe hốt rác? Tôi tự đánh giá mình không đủ điều kiện.
Tôi hôm đó, ông chủ ghe rủ tôi lên chùa Quan Âm tọa lạc trên đồi cao chơi, cho đở buồn. Sau khi leo hết một con dốc cao thoai thoải với hàng chục bậc thang, cả hai đều thở hổn hển, ngồi nghỉ mệt. Nhìn lên trời cao, sao chi chít lấp lánh. Có cái sáng, có cái tối. Tôi không biết ngôi sao nào là của Quốc. Tôi kể cho ông câu chuyện tôi nghe được hồi sáng từ cậu của nó.
Ngẫm nghĩ một lúc, ông vỗ nhẹ vai tôi, “ban” cho vài lời cố vấn vàng ngọc:
‘Hay là mầy nhận thằng Quốc làm con nuôi? Tao thấy nó quấn quýt với mày suốt ngày cả mấy tháng nay.’
‘Làm vậy không ổn đâu, anh Quang.’
‘Tại sao không ổn mậy? Bộ mày sợ hồ sơ của mày cũng bị “ngâm tôm” như trường hợp của cậu nó hả?’
‘Không phải vậy.’, tôi chống chế
‘Không phải vậy là sao?’, ông hỏi dồn.
‘Tôi mới hai mươi tuổi, chưa có vợ mà đã có con nuôi, rắc rối lắm. Mặc dù nuôi nhưng mấy cô gái trẻ đâu có chịu tin, cho là con ruột rồi cứ gạn hỏi tôi má nó đâu và còn đứa nào nữa ở đâu không? Làm sao tôi trả lời, đường nào cũng chết vì tình ngay lý gian mà.’
Tôi nói giỡn cho vui. Thật ra, tánh tôi không thích những tiểu xảo mánh mun không thành thật đó. Mình cứ tưởng Tây nó ngu, nó không biết. Họ thương mình bị đọa đầy trong một chế độ không tình người nên thông cảm không chất vấn, nói sao nghe vậy! Chưa bao giờ tôi lại muốn mình trở thành kiếm sĩ mù Zatoichi!
Ông chủ ghe chặc lưỡi, không nói gì thêm. Có lẽ ông cũng bí lối hết đường binh.
|