MatNai.ONLINE
Upload Photo & Post Posting List Tìm Bài Viết Đăng Bài mà Không Cần Đăng Kí Tên
ĐÔI BÀN CHÂN Story #: 126
Truyện ngắn KIỀU GIANG
Năm tôi lên ba , mỗi lần mẹ tôi ra ruộng cấy, bà
thường đem gửi tôi cho cô Xuân , chỉ cách nhà tôi cái giậu dâm bụt. Ở miền
Trung, tháng Mười, trời rét và chịu những cơn mưa đông tầm tã, có khi kéo dài
đến cả mươi ngày, nên cô Xuân chẳng dám thả tôi ra nửa bước vì cô sợ tôi
bị trượt chân, ướt lạnh. Cô làm nghề kéo sợi dệt vải bông. Cô rất khéo
tay, hình như cô làm được tất cả các khâu từ bông vải, kéo sợi,…cho đến
khi dệt xong một cây vải. Mỗi lần cô quay chỉ, cô bắt tôi phải ngồi chết
dúm trong lòng cô, lưng áp sát vào cái bụng bầu, mắt tôi đăm đăm nhìn cuộn
chỉ quay tít. Thỉnh thoảng tôi thấy hình như có một cái chân vô hình thật bé
đạp nhẹ vào lưng tôi. Tôi ngước mắt lên nhìn cô Xuân, cô hiểu ý, giải
thích: “Em ở trong bụng cô, nó đạp con đấy”. Tôi cảm thấy rất tù túng khó
chịu nhưng không dám đòi đi chơi vì sợ cô mách mẹ đánh đòn. Ba tháng sau ngày
cô Xuân sinh đứa con gái đầu lòng, mẹ tôi mới cho tôi qua nhà cô Xuân chơi. Mẹ
tôi bảo “Con còn bé mà vào buồng đàn bà đẻ, mai sau đầu óc mụ ra, học
không được”. Tôi chẳng hiểu vì sao, nhưng không dám trái lời mẹ. Nhưng một
thời gian không lâu sau đó, tôi không còn vô dụng như hồi cô Xuân chưa sinh em
bé. Không hiểu sao, khi không có tôi thì cô Xuân đặt chiếc nôi gần khung cửi
để tiện ru con, mỗi khi bé trở giấc, nhưng vừa thấy tôi sang thì cô lại đẩy
nôi ra xa, đặt một chiếc ghế bên cạnh và bắt tôi ngồi đưa nôi ru em, chắc
là cô muốn cho tôi có việc làm, không phải ngồi ủ rũ dán mắt lên khung dệt
của cô. Nhưng tôi cũng chỉ biết đưa tay lắc lay cái vành nôi chứ chưa hề
biết hát một câu nào. Hai tay cô Xuân vẫn thoăn thoắt đưa thoi, thỉnh thoảng
liếc nhìn tôi mỉm cười, rồi bảo tôi hát theo cô: “ Con ơi ăn ngủ cho
ngoan….Mai kia khôn lớn lo toan việc đời”. Tôi bập bẹ hát theo, ban đầu tôi
thấy rất khó khăn, nhưng rồi tôi cũng thuộc. Cứ thuộc hết câu này cô lại
dạy cho tôi câu khác: “Con chim đa đa …nó đậu nhánh đa đa…Chồng gần không
lấy…mà đi lấy chồng xa…Mai sau cha yếu…mẹ già… Chén cơm…đôi đũa…tách
nước trà…ai dâng…”. Câu hát này dài quá, rất khó thuộc, nhưng cô động
viên: “ Con giỏi lắm, cố lên rồi sẽ thuộc thôi mà, tối về hát cho mẹ nghe,
mẹ sẽ khen và yêu con nhiều lắm đấy”. Sau này lớn lên tôi mới biết bài hát
ấy chứa đầy tâm sự của cô, một người con Huế, vì hoàn cảnh mà phải đi
lấy chồng xa. Nhờ cô Xuân và cái nôi mây nhỏ xíu, mà tôi đã thuộc được
nhiều câu dân ca sâu lắng nghĩa tình, và Sương, con bé nằm nôi, thường chìm sâu
trong giấc ngủ, lại thấm đẫm những lời ru ngô nghê nguệch ngoạc của một
cậu bé lên năm. Những khi Sương thức giấc, mở mắt, nhìn tôi nhoẻn miệng
cười, đôi môi mọng đỏ như thiên thần, nên tôi bỗng thấy thích thú khi
được cô Xuân gọi bảo đưa nôi cho bé Sương và tôi muốn được nhìn bé huơ
tay trườn chân, đòi tôi bế. Nhưng đến lúc đó thì dù tôi muốn bế, cô Xuân
lại không cho. Thời gian trôi qua như một giấc mộng, Sương bây giờ đã là cô
bé lên mười, biết phụ mẹ kéo sợi dệt vải, nước da hây hây hồng, mái tóc
đen mượt, gợi cho tôi về những cô gái trong các tạp chí mà cậu Hai tôi mua từ
tỉnh về cho tôi lấy giấy bao vở. Khi đến lớp, nhìn những cô gái trong tranh,
tôi lại nhớ đến Sương, một nỗi nhớ thoáng qua nhưng tha thiết dịu dàng. Bé
Sương còn có biệt danh là Bi Chai,do tôi đặt, vì đôi mắt em sâu tròn, con ngươi
xanh biếc long lanh như hòn bi bằng chai mà mẹ đi chợ mua cho tôi đánh bi với bọn
trẻ con trong xóm. Không hiểu sao, cô Xuân và cả Sương đều thích cái biệt danh
ấy. Còn tôi thì cô gọi là Huy Đen, vì ngoài giờ đến trường cách nhà hành
mấy cây số đi bộ, tôi còn phải phụ những việc nhẹ trong công việc đồng
áng của Ba Mẹ , nên nước da tôi nâu đen , Sương thường gọi tắt tên tôi là
anh Đen, rồi có khi lại phá lên cười và chạy về nhà trốn mất. Tôi thường
được cô Xuân nhờ chỉ cho Sương học toán. Mỗi khi ngồi bên Sương, nghe cái
mùi thơm của xà bông “Cô Ba” từ mái tóc thoảng ra cùng với mùi da thịt của
Sương, làm cho tim tôi đập mạnh, lòng tôi rạo rực khó tả, và tôi lại muốn
giữ cái mùi hương ấy ở lại trong lồng ngực mình. Tôi không thể nào rời mắt
khỏi đôi bàn tay búp măng ngà ngọc của Sương đang cố nắn nót từng chữ viết
bằng cây bút ngòi lá tre cán gỗ. Đôi bàn tay ấy như thách thức đôi bàn tay chai
sần thô kệch của tôi, trong đầu tôi cứ xuất hiện sự so sánh giữa một bên
là tấm thân ngà ngọc của nàng, còn bên kia là cái bộ tướng đen điu thô cứng
, vai u thịt bắp của tôi. Có lẽ vì quá yêu thương nên tôi đã thần tượng hóa
nàng rồi chăng ? Thế rồi một biến cố ngây ngô xảy ra cho đời tôi và Sương,
giúp tôi hiểu được thế nào là nét đẹp của đôi bàn chân nàng . Hôm ấy một
buổi sáng mùa đông, trời không mưa, Sương đòi theo tôi ra đồng xem gặt lúa,
bất chợt em vô tình trượt chân xuống ruộng, rồi bỗng em la hoảng : “ Đau
quá! Đau quá!”. Sương cúi xuống ôm bàn chân rên rỉ. Tôi vội chạy đến, một
tay đỡ Sương, còn tay kia nâng bàn chân em lên xem, tôi hết hồn, một con đỉa
trâu đang bám chặt vào cổ chân Sương. Tôi nhanh tay bóc con đỉa khỏi bàn chân
em, máu ra ròng ròng. Tôi hoảng quá, không nói một lời nào, bế xốc Sương chạy
một mạch về nhà. Sau khi rửa sạch vết thương bằng nước giếng ở góc sân,
tôi tự nhai trầu với vôi đắp lên vết thương, mà không dám cho cô Xuân biết,
sợ cô quở trách . Sương ngồi trên ghế, hai chân buông thõng. Tôi đưa tay đỡ
bàn chân , ngước mắt nhìn em. Đôi mắt bồ câu thăm thẳm in vào hồn tôi. Tôi
cúi xuống nắn nót đôi bàn chân. Sương im lặng. Đến giờ phút này tôi mới
đủ bình tĩnh để nhận ra rằng, đôi bàn chân nhỏ nhắn u thon, với những ngón
chân khít vào nhau, trắng muốt đã gắn chặt vào hồn tôi. Những ngày sau đó
Sương thường đưa tay níu song cửa sổ nhìn sang nhà tôi, còn tôi thì giả vờ ra
sau nhà xách nước để được thấy em. Cũng may vết đỉa không sâu, vết thương
cũng nhanh lành. Từ đấy hình bóng Sương cứ đi theo tôi bất cứ lúc nào, cả
trong giấc ngủ. Có đêm tôi mơ thấy nàng bị đỉa bám, khóc thét lên, ôm chặt
lấy tôi, mùi hương da thịt nàng còn đọng mãi trong ngực tôi. Mối tình thầm
kín, thơ ngây, dân dã ấy như đã in sâu trong tâm hồn măng non của tôi. Nhưng
rồi cũng đến lúc tôi phải giã từ Sương, cô bé tuổi 13, tâm hồn trong trắng
như sữa của hạt gạo tháng mười, gương mặt hiền lành như vầng trăng rằm
vừa lên khỏi đường chân trời ở đằng đông trong một đêm thu nơi đồng quê
tĩnh lặng, để ra tỉnh học bậcTú tài. Không biết nàng là Lọ Lem hay Bạch
Tuyết trong cổ tích tôi. Tôi là một gã khờ chơi vơi trong vòng vây của hình
bóng ấy. Hôm tôi đi, Sương đưa tôi một quãng đường làng, em chớp mắt nhìn
tôi rồi cúi mặt, tôi nắm tay Sương lặng lẽ, chẳng thốt được lời nào.
Cuối cùng tôi buông tay nàng rồi quay đi. Được khoảng mấy mươi bước, tôi
nhìn lại thì thấy Sương quay đầu chạy nhanh về nhà. Có lẽ em đã khóc ! Tôi
cúi đầu, nặng nề bước về hướng đường cái quan, nơi có chuyến xe cuối
cùng về tỉnh trong ngày. Gần một năm trọ học ở thị xã, tháng nào tôi cũng
viết thư cho Sương. Nàng hồi âm cho tôi bằng những cánh thư màu xanh, tình yêu
bé bỏng thơ ngây của nàng như in trên nét chữ học trò viết bằng bút lá tre
mực tím. Tôi âu yếm cẩn thận cất những cánh thư ấy ở tận đáy rương sách
của cậu học trò tuổi mười bảy đang mơ. Hè năm nay, tôi về quê thăm nhà ,
Sương cùng mấy đứa em tôi ra đón ở tận đầu làng. Đôi mắt “bi chai” long
lanh, môi cười hớn hở nhưng có vẻ rụt rè , hai tay bá vào cổ của hai đứa em.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Sương thay đổi quá nhiều. Nàng lớn như thổi, vóc
dáng của một thiếu nữ chứ không còn như một cô bé mười ba, mái tóc đen
huyền chảy xuống ngang vai, óng ánh trên chiếc áo lụa hoa, màu xanh ngọc. Tôi
ngượng ngập lí nhí: “Mẹ em có khỏe không?”. Nàng vẫn cúi đầu, nói nhỏ:
“ Dạ khỏe, mẹ vẫn thường nhắc đến anh”. Còn tôi, trong chỗ sâu thẳm của
tâm hồn mình, không thể nào quên cô, quên cái bàn chân bé bỏng trong bụng cô
đạp vào lưng tôi, khi tôi ngồi trong lòng cô, một buổi sáng mùa đông, mười
bốn năm trước, cô ngồi kéo sợi. Ngay cái đêm mới về lại quê, tôi rủ
Sương ra cánh đồng trơ gốc rạ tháng năm, hai chúng tôi ngồi xuống bờ ruộng
phủ một lớp cỏ khô . Trăng mười sáu vằng vặc tỏa xuống không gian tĩnh
lặng êm đềm của một miền quê hiền hòa chịu thương chịu khó, soi rõ nét
thanh tú trên khuôn mặt thoáng vẻ u buồn của Sương. Từng làn gió nhẹ thoảng
qua làm cho hương tóc của Sương chập chờn trong khứu giác nhạy cảm của tôi.
Tự nhiên tôi cảm thấy như mình đang tan biến vào tình yêu thanh khiết, thánh
thiện của nàng. Ngồi im lặng thật lâu tôi mới dám mở đầu câu chuyện: -Anh
thấy lúc này nước da em sạm nắng ? Sương liếc nhìn tôi, giọng tha thiết phân
trần: -Đã một năm nay mẹ em không còn dệt vải nữa. Bây giờ vải sợi dệt
tay không còn bán được, thỉnh thoảng em phải ra đồng giúp Ba mẹ. Tôi an
ủi: -Trông em bây giờ như một thiếu nữ trưởng thành, da có ngâm một chút cho
thêm rắn chắc. Có điều anh sợ là không biết em có đủ thời gian để học
hành ? Nàng như hờn trách: -Từ khi anh đi, em thành dốt toán. Còn văn thì cứ
miệt mài vào những cánh thư chảy theo dòng thương nhớ. Vào lớp em cứ thẫn
thờ cùng những lá thư anh gửi, có những đêm em lịm dần vào nỗi nhớ mênh
mông…. Không biết rồi anh có bắt đền được cho em không? Tôi như choáng ngợp
trong những lời yêu thương của Sương. Tôi không ngờ tình yêu nàng dành cho tôi,
đã bao lâu nay, được âm thầm giấu kín trong tận sâu thẳm trái tim nàng. Thời
gian như ngừng lại, không gian tan vào cõi không mơ hồ diệu vợi. Xa xa, thăm thẳm
tiếng gà khuya giật mình cùng ánh trăng vô tình trải xuống cánh đồng quê đang
yên ngủ. Tôi ngồi sát vào bên Sương, ngại ngùng: -Anh xin cảm ơn trái tim thầm
lặng của em, cảm ơn Thượng đế đã đưa xuống trần gian một thiên thần bé
bỏng cho anh. Thiên thần ấy sẽ ngự trị tâm hồn và cuộc đời anh mãi
mãi. Nàng ngây thơ đáp lời tôi: -Nhưng anh đã bỏ rơi thiên thần ấy lại
chốn quê nghèo này để đi tìm một tương lai cho đời anh. Em cứ thấp thỏm
đợi chờ và hồi hộp lo âu. Và em có linh tính hình như có một thế lực vô
hình nào đang rình rập cướp mất tình ta. Ba mẹ tôi bắt tôi phải học hành
thành công để rộng đường tương lai cho tôi. Từ ngày bước chân lên tỉnh
học, tôi thấy càng yêu cái quê hương nghèo khó của tôi, có lẽ vì nơi ấy có
nàng. Tôi đâu có ngờ từ đây, đời tôi lại gắn với đời nàng. Mai này nếu
tôi phải giã từ bờ tre gốc rạ của quê hương để ra tỉnh sống, tôi không
thể chỉ mang theo hình bóng của nàng mà phải mang theo cả cuộc đời nàng. Tôi
tưởng tượng một ngày được sống bên nàng, nâng niu chăm sóc cho nàng, tự
nhiên tôi thấy tình yêu thật là cao quý và thiêng liêng biết chừng nào ! Tôi
đưa tay nắm bàn tay ngọc ngà của Sương, giọng run run thì thầm: - Vâng, bây
giờ anh hiểu rằng em là trái tim của anh, tình yêu của em là khí trời cho anh hít
thở từng phút từng giây. Từ nay đời anh không thể thiếu em được. Nhưng anh
cần phải học để chuẩn bị tương lai cho cuộc đời hai chúng mình. Xin em hãy
chờ anh. -Em sẽ mãi mãi chờ anh, chờ cho đến già đến chết.Em sẽ là mãi mãi
của anh. Nhưng rồi nàng lại ngập ngừng: -Nhưng cuộc đời con gái…em sợ
lắm, đôi khi em nghĩ nó không còn là của riêng em! Năm ấy, theo yêu cầu của ba
mẹ , tôi phải vào Sài Gòn để học đại học, nếu không sẽ phải đi lính, còn
Sương, sau khi tốt nghiệp trung học, đành phải gác bút ở nhà giúp đỡ Ba mẹ
nàng. Thế rồi cũng đến ngày chiến tranh bao trùm lên từng tất đất, từng
cọng rơm ngọn cỏ của quê hương tôi, mọi người phải đùm túm về thành phố.
Ba mẹ tôi vào Nha Trang còn gia đình Sương chạy lên nương náu với người bác
ruột ở Pleiku. Tất cả sự chia ly bắt đầu từ đấy. Tôi chỉ được Ba mẹ cho
biết như thế, còn địa chỉ của gia đình Sương thì những người trong xóm cũng
không ai biết. Mẹ tôi dỗ dành tôi: “ Khi ra đi người ta còn không kịp chào nhau
một tiếng, huống hồ địa chỉ của nhau, biết được nơi phải đến cũng là
may mắn lắm rồi. Mai kia lần lữa mẹ sẽ tìm cho con”. Mấy năm sau, vì thấy
tôi quá đau đớn, mẹ tôi cũng cố tìm, nhưng cũng chỉ nghe phong phanh là Sương
đã lấy chồng. Chồng nàng là một sĩ quan không quân, đơn vị đóng ở Pleiku.
Tháng Giêng năm 1974, vì giao thông đường bộ đã hoàn toàn bị cắt đứt, tôi mua
vé bay ra Pleiku để tìm nàng, may ra còn được nhìn lại nàng, nhìn lại đôi bàn
chân định mệnh của nàng lần cuối cùng. Suốt cả tuần, tôi đã lội hết các
hang cùng ngõ hẻm, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nhiều đêm
trắng, tôi lang thang trên những con phố trơn lầy đất đỏ, trời giá rét với
những cơn mưa phùn cuối đông còn sót lại, xa xa vọng tiếng đại bác đì đùng,
hình như tôi đã đi qua hầu hết các quán “cà-phê không ngủ”, nhưng hình bóng
nàng vẫn mờ xa nơi chân trời vô định. Niềm hy vọng dần dần lịm tắt trong
lòng tôi. Sau biến cố năm 1975, tôi nghe hình như Sương đã theo chồng di tản ra
nước ngoài. Còn tôi ở lại đây, ôm nỗi buồn của một trí thức mới học xong
hôm qua mà hôm nay đã lỗi thời, trong một đất nước hoang tàn sau hơn hai mươi
năm chiến tranh, lòng người ly tán…hoài nghi mọi thứ giá trị, chân và giả
lẫn lộn trên đời này, vết thương của xã hội đang tiếp tục rỉ máu, chưa
biết bao giờ sẽ lành. Nỗi cô đơn và sự trống rỗng đang xâm chiếm cõi lòng
tôi . Tôi muốn trốn khỏi thành phố để quên đi sự phi lý của cuộc đời. Bây
giờ tôi không còn quyền tra hỏi mà phải biến mọi thứ thành đức tin, một
thứ đức tin mù quáng, mà xã hội mới đã dạy cho tôi. Tôi muốn trở về với
những tháng ngày quê mùa dân dã, những ngày tôi đã sống với Sương, với tình
yêu đầu đời trong suốt và long lanh như giọt sương mai. Tôi đã đăng ký vào
thanh niên xung phong. Những ngày sống với bưng biền đỉa vắt, với cuốc rựa
dao găm, làm cho tôi quên hết mọi thứ trên đời này. Duy chỉ có một thứ mà
tôi không thể nào quên được, đó là những lời thỏ thẻ ngây thơ, tình yêu
thanh khiết của nàng. Bao nhiêu năm qua, hình như Thượng Đế đã đùa cợt trên
chiếc lưng trần của tôi, trên cuộc đời yếu đuối nhỏ nhoi bé bỏng và đôn
hậu của nàng. Đôi bàn chân của nàng đã in lên đời tôi thành những dấu
chấm. Chấm than, chấm hỏi, chấm treo và cuối cùng là chấm hết. Nhiều khi tôi
hát nghêu ngao một mình trong bóng đêm: “Đôi bàn chân ấy dẫm tình anh…. Bao
năm ru mãi dấu không lành…. Giữa đời gió cát em đâu ngỡ…. Anh vẫn yêu hoài
dáng bàn chân…”. Thượng Đế đã đặt vào tay một cô bé nhà quê một phép
mầu để cô có thể cướp đi linh hồn tôi. Rồi một hôm tôi trở về thăm ngôi
nhà chỉ còn trơ những bức tường, mà tôi đã lớn lên bên cạnh nàng. Những
ngọn dừa, bụi chuối đã bị bom đạn xé nát, chỉ còn trơ lại cái giếng khơi
mà tôi thường xách nước để rửa chân cho nàng, hình như vẫn âm thầm nguyên
vẹn. Có lẽ nó muốn làm chứng cho mối tình đơn sơ mộc mạc nhưng sâu thẳm
của tôi. Ôi chiến tranh ! Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu thứ của con người,
trong đó có tình yêu của tôi. Nàng đã ra đi cùng với hàng triệu người khác.
Một cuộc di dân hiếm thấy trên thế giới này. Họ đã vội vã bỏ lại sau lưng
quê hương, bạn bè, người yêu…, mồ mả ông bà, để ra đi. Mà lý do cuộc phân
ly vẫn còn là một chấm hỏi lớn của lịch sử. Người ta đã phải mất bao
nhiêu thứ, còn tôi chỉ mất đôi bàn chân mà hình như tôi đã lỡ yêu thương
từ trong bụng mẹ. Một bí ẩn đẫm chất thơ của cuộc đời này.
Matnai.ONLINE