MatNai.ONLINE
Upload Photo & Post Posting List Tìm Bài Viết Đăng Bài mà Không Cần Đăng Kí Tên
ĐỜI SỐNG MỘT DÂN THƯỜNG SAU 75 Story #: 479
( dưới góc nhìn của đứa trẻ 12 tuổi)
Khi lấy thời điểm 75 làm mốc
mà dùng từ "dân thường" tức là không có"làm Việt- Cộng" mà cũng
chẳng "theo Quốc- Gia". Gia- đình tôi sống cạnh Ty Cảnh- Sát. Hàng xóm đa
số là viên- chức hành- chánh "tối lửa, tắt đèn" có nhau. Ngày Mỹ
rút khỏi Miền Nam, tôi nghĩ là họ biết trước. Những người hàng xóm
của cha mẹ tôi, chuẩn bị di tản. Họ bán đi những vật dụng có giá trị
mà họ không thể mang theo. Cả xóm tôi "âm thầm " bán. Cha tôi mua tất cả
những món đồ của họ bán. Gia đình tôi không có ý định di tản, ai cũng
nghĩ cha tiếc của đến sau này tôi biết, cha không đi vì bà Nội sắp trăm
tuổi già. Cha rất hiếu thảo với bà, từ nhỏ đến giờ tôi đã quen
cảnh cha nhất định giặt đồ cho bà nội, tự tay rót nước cho bà không
để các con làm Thời gian ấy, nhà tôi thật nhộn nhịp, người ra kẻ
vào. Tôi quen các cô các chú đó hết. Họ cho tôi vài món đồ mà họ
không thể mang đi nhưng họ rất quý: một cuốn sách, một cái cặp, cây
bút máy...Có chú đưa tôi một túi đồ nặng nặng không biết là gì,
tôi không mở ra xem về sau tôi cũng quên luôn. Những người đó đi luôn
không trở lại, tôi nghe loáng thoáng trong số họ có người ra đến sông
Cái giựt chốt lựu đạn tự sát. Phía sau Ty Cảnh Sát người ta đốt
những chồng giấy cao và nặng, đốt mấy ngày đêm, ngọn lửa bốc cao
lắm. Ngày 30/04/75, thị xã tôi vẫn bình yên, không tiếng súng, bọn nhỏ
chúng tôi chạy ra đường xem Việt- Cộng. Chỉ vài người bận đồ đen,
quấn khăn"choàng tắm" vác súng đi vào Ty Cảnh Sát. Trong Ty không còn
ai. Cuộc sống không gì thay đổi, theo góc nhìn của một đứa trẻ như
tôi lúc bấy giờ, hàng xóm vẫn mang đồ qua nhà tôi bán, thỉnh thoảng có
nhà đóng cửa đi mất... Tôi vào lớp sáu. Trường phát mỗi đứa 10
hạt bobo về nhà trồng. Trước sân nhà tôi có trồng mấy chậu kiểng và
một gốc Sabochê...Tôi gieo hạt dưới gốc Sabochê rồi tháng sau...ra chợ mua
một lon bobo đem nộp! Lớp có một cô giáo dạy toán người bắc, cô
mặc toàn quần đáy nem đen với áo sơ mi trắng chít bốn ben, tóc cô
thật dài và thắt bím. Cái đặc biệt nhất ở cô mà tôi thấy là...tôi
không thể nghe được cô giảng gì cả! Một hôm đi học về, tôi thấy Cha
đào hết khoảnh sân nhà lên, mấy chậu kiểng bị đẩy vào một góc
sân. Cha trồng xuyên tâm liên, một loại thảo dược quý trị bá bệnh từ
miền bắc đưa vào...Nhưng tôi thấy Cha vẫn uống thuốc tây khi
bệnh...chắc Cha để dành cho trường hợp bệnh nặng hơn! Nhà nước
đổi tiền, tội nghiệp Cha tôi không có tiền để đổi, bao nhiêu tiền
Cha tôi lấy đi mua đồ của hàng xóm hết rồi...Hôm đó, Cha đi đổi tiền
dùm hàng xóm khi về Cha kể, ông Trường Thành, chủ của mấy cây xăng trong
thị xã đã ngất xỉu ở chỗ đổi tiền, có lẽ thấy vậy nên điểm
đổi tiền chỉ để ông mang về nhà một số tiền tượng trưng còn bao
nhiêu họ giữ lại dùm ông sợ ông vác về nặng...khi đi đổi tiền ông
vác đến hai bao, sau này mấy cây xăng của ông nhà nước của chính quyền
mới cũng quốc hữu hóa hết luôn. Cha nói họ đánh tư sản, 500 đồng mang
đi đổi được 1 đồng, ai nhiều mấy cũng mang về 500 đồng hay 250 đồng
gì đó. Thời kỳ tem phiếu bắt đầu, cái sổ hộ khẩu quý như sinh
mạng, ai không có nó là chết đói! Cứ theo nhân khẩu mà cho chỉ tiêu
gạo, vải, nhu yếu phẩm rồi phát tem, phiếu. Tới đợt hợp tác xã bán
gì thì mua nấy...cửa hàng là mấy ngôi nhà chủ đi vắng “cách mạng
lâm thời miền nam Việt Nam” trưng dụng. Cha đi mua gạo vác về, mỗi
người có tên trong hộ khẩu được 13kg, Má kêu Cha mang gạo qua cho nhà chị
Mun, mẹ chị ấy đi mất từ hôm giải phóng vô. Má ăn gạo trong bao bố
tời, mỗi bao 100kg, gạo phải thơm, quen rồi, má nói vậy. Cha đi mua vải, cả
nhà lớn bé nam nữ gì cũng một loại vải mười, màu ruốc in hoa. Má
tôi đem cất trong bếp... Bây giờ xóm tôi như người một nhà, vì ai cũng
mặc đồ hoa vải giống nhau. Căn tin, cửa hàng xuất hiện, thay vì ra
quán, tiệm mua chè, mua bánh, cà phê bọn tôi ra căn tin mua...Cửa hàng bán
chỉ một thứ mấy ngày liên tiếp...hết món đó bán đến món khác,
cũng mấy ngày... Chợ vẫn nhóm bình thường, vẫn bán đâu thiếu thứ
gì... Nhà tôi vẫn lúa dí đầy bồ, sau vườn nuôi vài con heo, Cha thỉnh
thoảng vác chài xuống sông vãi vài cái cho Má tôi món cá kho tiêu... Một
năm, sau khi đánh tư sản. Tàn dư của Mỹ Ngụy cạn hết...Mỹ cấm vận,
người ta đến tìm Cha tôi mua những món đồ họ cần mà Cha tôi có nhưng
không xài. Nhà tôi lúc đó như cái kho, búa, kềm, khoan điện, khoan tay, mỏ
lết, xà beng...đến tủ lạnh, tủ mát, bàn trang điểm, tủ thờ, trong
phòng Cha chất một góc rượu tây, hàng quân tiếp vụ, thuốc lá
xigà... Ai mua gì Cha cũng có Tôi nhìn đống đồ của cha mà biết tên và
biết xử dụng hết các thứ đó, sau này điều đó rất có ích cho cuộc sống
của tôi Có bữa một người quen với cha ghé lại nói với cha gì đó
không biết, chỉ nghe cha trả lời, không cần đâu, ngày xưa tưởng mày
khổ, chứ biết mày làm VC tao đâu có giúp mày, lấy tờ giấy gia đình
có công cách mạng làm sao tao đi Mỹ... Rồi cha lầm bầm, giải phóng cái
gì không biết! Thời kỳ ngăn sông cấm chợ Cha đi Saigon, về Cha kể: từ
quê lên Saigon có 150 cây số đi xe đò mà đi từ sáng sớm chiều mới tới
Xa Cảng miền Tây... Trạm kiểm soát dựng lên dọc đường nhiều không
nhớ nỗi. Ấn tượng nhất là trạm Tân Hương, xe đến trạm phải vào
một ngỏ riêng để kiểm soát, hành khách phải xuống xe hết, hành lý
bị lục tung ra...thậm chí có khi họ xét người luôn, họ bắt lương thực
thực phẩm của tỉnh này mang qua tỉnh khác, đặc biệt là thịt heo, không
biết cái ông ra sắc lệnh "ngăn sông cấm chợ" này có thù gì với con
heo?! Quái lạ. Thịt đem ra khỏi tỉnh bán gọi là thịt lậu, người đi
bán thịt ra ngoài tỉnh gọi là buôn lậu. Dân buôn lậu quấn thịt quanh
người, giấu dưới băng ghế...những người đi buôn họ móc nối hoặc
bắt bồ với nhân viên kiểm soát. Cha đi thăm chị học ở Saigon, Má nấu
thịt cho chị đựng trong lon guigoz để khỏi bị tịch thâu. Khổ thân Thời
này đến chơi nhà bạn bè, dù tay bắt mặt mừng nhưng phải ý tứ mang
theo ít gạo thịt. Anh Tâm con dì Ba sống ở Đà Lạt, trồng rau củ...không
có gì ăn, chạy về quê mang theo vợ con đùm đề Chị tôi đậu đại học,
ở ký túc xá sinh viên tháng được lãnh 12 ngàn, ăn cơm nhà bếp độn
bobo thiếu chất bị phù thủng mặt tròn quay phải ăn gạo lức muối mè,
lên giảng đường ngồi học mà đem chỉ gân theo thắt giỏ bán. Chị khoe
mới bốc thăm được mua cây đàn, chị có đàn đâu, đem bán đó, chị xin
tiền cha mua chiếc xe đạp, nói để đạp đi Long An mua gạo, mua thuốc tây
về bán...không nghe kể chuyện học hành. Sau này tốt nghiệp đại học
chị vẫn còn nợ điểm, cha lo lót cho người quen trên đó một chỉ vàng
để chị được giữ lại hộ khẩu thành phố, Saigon đổi tên là thành
phố Hồ Chí Minh, người dân quê chúng tôi gọi tắt là thành phố cho nó
gọn. Rối rắm Tôi lên lớp bảy Trường tôi có thầy hiệu trưởng mới
từ miền Bắc vào nhận "công tác".Thầy sống trong trường ở dãy nhà
sau lớp học của tôi, sáng đi học sớm, tôi vào lớp hay nhìn qua cửa sổ
thấy thầy ăn sáng, không biết ăn gì mà nghe thầy húp rồn rột, thầy
hay ngửi ngửi cây tăm mới xỉa xong rồi gát nó lên chung trà...Thầy mặc
thêm áo sơ mi vào chồng lên chiếc áo thun ba lỗ bị rách mấy đường sau
lưng. Trước khi ra khỏi nhà, thầy"chiêu" một ngụm trà súc ộc ộc trong
miệng rồi mới nuốt... Chuông reo. Cô Thoại rất hiền, người thô, cục
mịch hơi cà lăm, cô dạy toán không biết sao tự nhiên cô nghỉ dạy, tụi
bạn nói thấy cô bán vé số ngoài chợ Thầy Điệp cũng nghỉ dạy, tôi
biết, tôi thấy thầy bán nước sâm, mỗi lần đi ngang xe nước sâm của
thầy tôi đều đứng lại cúi chào, thầy cười...không giống ngày xưa,
lúc thầy dạy văn, thầy vui hơn bây giờ... Thầy Đệ có “đề pô”
nước đá trước khi đi dạy, thầy dạy tôi dể hiểu nên tôi thích môn Lý
của thầy, tôi là học trò giỏi được thầy cưng. Tôi cũng thương thầy
lắm, thầy lùn tịt, mặt sần sùi đầy thẹo, chắc hồi nhỏ thầy nặn
mụn hoài...Thầy nghỉ dạy, học cô mới tôi không vui, tôi nhớ những lần
chọc phá của bọn tôi: thầy cho bài tập trên bảng, tôi hay nói: _Thầy
đừng ghi ...lộn đề...nhe thầy! Thầy nói tỉnh queo: _ Không lộn! Nhưng
lát nữa thê ́ nào cũng có một cục phấn chọi vào trán tôi cái
cốc...!!! Báo thù. Cô Huỳnh Liên không bỏ dạy mà đổi môn, cô dạy chính
trị không dạy văn nữa...Chồng cô đang học tập cải tạo ở Trại Ba Sao,
tháng sau cô đi thăm chồng, bọn học trò chúng tôi hùn tiền gởi cô mua
đồ cho thầy...Xóm tôi cũng có vài người đi học tập cải tạo ở Tân
lập, Suối Máu, Bà Bèo... Nhỏ bạn tên Kim Anh, người Hoa, rủ tôi lãnh
làm vỏ xe đạp bằng cách lấy bố từ vỏ xe tải cũ dán lại...để
kiếm thêm " thu nhập" Cha không cho làm, biểu lo học cho giỏi đi... Thôi
vậy Gần đây tôi học được vài từ mới của chị lớp trưởng người
Bắc vừa theo ba mẹ vào Nam "công tác": khẩn trương, tăng gia, thu nhập, cải
thiện, tập thể...có vài từ không hiểu sao lại đọc ngược... Rồi
một hôm, trường tôi bị lấy, vì họ không báo trước nên thầy trò
chúng tôi ngồi ngoài đường cả buổi sáng, nghe nói lấy làm trường cho
con cái cán bộ học, nhưng họ không dùng từ Thiếu Sinh Quân vì đó là
từ Ngụy quyền Saigon hay xài. Không biết họ là ai. Mù mờ Nhà hàng xóm
ồn ào, tôi chạy ra coi, bác Hai hớt tóc mở máy hát nghe nhạc Hoàng Oanh
bị trên công an phường tịch thâu đĩa hát, lần sau lấy luôn cái máy đó
nhe, tôi cũng thích Hoàng Oanh, cô ngâm thơ, bài Hòn Vọng Phu hay ác...Nhạc
ngụy, cấm đó nhe. Tối về tôi kể cả nhà biết, vì Cha tôi thường
uống rượu lúc ăn cơm chiều, có lúc vui vui Cha mở nhạc rồi nhảy đầm
nữa. Mẹ tôi nói Ông mở nhạc không lời mà sợ gì, trời ơi! Nhạc không
lời còn ghê hơn, tàn dư Mỹ Ngụy đó. Nhất trí, nghe cải lương Ut́ Trà
Ôn, Minh Cảnh. Má đi đám cưới anh Chiêu, anh ở với chị Huỳnh có chửa,
bên chị kêu làm cái "thú phạt". Cơ quan anh Chiêu bắt làm lễ “Tuyên
bố”, tiệc đãi ở trong nhà Ngoại anh Chiêu, cây nhà lá vườn, heo với
cá nuôi sẵn. Má nói, “Thủ trưởng” anh ăn cái đầu cá vồ còn nguyên
con lãi trong mang... Thấy gớm Sáng chúa nhật, cô Liễu qua nhờ Mẹ sửa
mấy cái quần ống loe, hôm nay chị cắt tóc ngắn, móng tay cũng ngắn và
không sơn. Lúc trước móng tay chị để dài sơn đỏ chót, tóc cũng dài,
uốn lọn, đẹp như Thẩm Thúy Hằng. Bây giờ chị cắt hết, tóc, móng,
quần cũng cắt. Chị nói chị đang lo, mấy ông cách mạng bắt mấy người
chưa chồng gả cho thương binh...Mẹ bảo, mầy thì ai mà lấy! Phủ quá. Đi kinh
tế mới Vài gia đình xóm gò mã sau nhà tôi đóng cửa đi kinh tế
mới. Họ đến những vùng hoang vu hẻo lánh khai khẩn đất hoang, nhưng
được một thời gian sau họ lại quay về. Cứ hể khẩn xong phần đất
nào là cán bộ đến dẫn họ đi sâu vào vùng đất hoang mới, xa hơn,
hoang mạc hơn... Sao chịu được Đất nước đi từ có đến không, từ
không đến có Chế độ độc tài, độc đảng xã hội không có đối
trọng, không có sự cạnh tranh thì không thể phát triển và tiến
bộ Tất cả sự cạnh tranh của chế độ đều đi đến một mục đích
dân giàu nước mạnh Nhà cầm quyền và bộ máy nhà nước chỉ được
lập ra để bảo vệ quyền lực mà không nghĩ đến nhân dân Cuộc nội
chiến gây nên tổn thương tinh thần và xương máu toàn dân. Nhưng chính
quyền mới cứ luôn hả hê rằng mình là bên chiến thắng Thay đổi chế
độ, chỉ cần cướp quyền lực và thu phục lòng dân. Không được lòng
dân mà giữ được quyền lực trong một thời gian dài thì chỉ có hai lý
do. Nhà cầm quyền tài giỏi hoặc nhân dân yếu hèn Tôi là một người
yêu nước hèn yếu Nguyễn Kiều Phương
Matnai.ONLINE