PHONG CÁCH SỬ DỤNG NGÔN TỪ Story #: 182
Bài viết của cô Hồ Thị Ngọc Trang:
Tôi có một kinh nghiệm, cũng là một kỷ niệm riêng tư, vui vui và khó quên liên quan đến sự trang trọng và lịch sự trong ngôn từ văn thư hành chánh trước 1975.
Sau biến cố Mậu Thân, tôi rời Huế vào Sài Gòn thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm, ban Anh văn, và trúng tuyển. Từ đó tôi bắt đầu đời sinh viên xa nhà và hằng tháng nhận mandat (giấy chuyển tiền) do ba tôi đều đặn gửi vào. Có một lần đã đến kỳ hạn phải đóng tiền trọ, tiền ăn mà chưa thấy mandat, tôi ‘đánh giây thép’, tức là gửi điện tín về cho ba tôi. Ngay ngày hôm sau tôi nhận được mandat, và một tuần sau tôi nhận được thư của ba tôi giải thích sự việc, trong đó ông gửi kèm văn thư xin lỗi của Ty Bưu Địên đến ông. Ba tôi viết: “Ba gửi văn thư này con xem để hiểu rõ tình hình và tin chắc một điều là không đời nào ba để cho con phải lo lắng chờ đợi.”
Tôi không biết trong thư phàn nàn , ba tôi đã trình bày những gì nhưng hồi đáp của bưu điện thì vô cùng nhanh và họ viết khá công kỹ và trang trọng. Phần đầu trình bày rõ ràng và cặn kẽ lý do chậm trễ, còn phần cuối như sau: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng chính sự tắc trách của chúng tôi đã làm ảnh hưởng đến việc học tập của quý lệnh ái. Xin ông vui lòng bỏ qua và nhận nơi đây lời xin lỗi chân thành của chúng tôi.”
Mấy chữ “quý lệnh ái” đã làm tôi lúc đó vừa đọc vừa cười ha ha, vì tôi đồ rằng nghe người ta gọi con gái cưng của mình như thế, bao nhiêu bực tức của ba tôi tan biến hết!
HTNT
|